Tjeo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khi nói đến vấn đề giới tính, tình dục và sinh sản mọi người mới chỉ quan tâm đến vấn đề sinh học, thể chất nhiều hơn, bỏ ngỏ về mặt tâm thần và xã hội. Ước tính chung trên thế giới khoảng 25-30% dân số có rối loạn tâm thần cần can thiệp.
Nói thêm về trường hợp của chị H. 44 tuổi ở Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn cho hay, theo lời kể của chị H., chị đã ly hôn người chồng đầu sau hơn 20 năm chung sống vì bản thân chị không hề có ham muốn tình dục. Một năm sau chị tiếp tục tái hôn. Song với người chồng mới này mọi chuyện vẫn không có sự cải thiện. Không muốn tiếp tục lại có một cuộc hôn nhân đổ vỡ vì vẫn còn nhiều tình cảm nên vợ chồng chị quyết định đến Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.
Tại đây, bác sĩ kết luận chị bị rối loạn chức năng tình dục và phải nhập viện điều trị. Các bác sĩ đã gửi kết quả khám bệnh của chị đi xét nghiệm di truyền và xét nghiệm nội tiết để lên phác đồ điều trị. Ngoài ra, các bác sĩ cũng tiến hành đánh giá sang chấn thời thơ ấu của bệnh nhân.
Phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề cá nhân, gia đình, sự nghiệp, tài chính và một loạt các nhu cầu khác trong cuộc sống của họ. Căng thẳng, mất tập trung, mệt mỏi… có thể làm giảm ham muốn tình dục, đặc biệt khi chị em đồng thời phải chăm sóc trẻ nhỏ hoặc các thành viên khác, đối phó với bệnh mạn tính, cảm thấy chán nản, hoặc bị lạm dụng... Ảnh minh họa: Internet
Trường hợp khác là chị V.T. T ( 29 tuổi- Hà Nội), lấy chồng 2 năm nhưng chị T. mãi chưa có con. Dù được chồng yêu chiều, tôn trọng, nhà chồng quý mến, công việc ổn định, ai cũng mong mỏi gia đình có thêm tiếng cười trẻ thơ nhưng chị T. có điều khó nói. Chị không có cảm xúc với chồng mỗi khi gần gũi, thậm chí sợ hãi mỗi khi chồng... tắt đèn, dù anh cố gắng hết sức.
Anh động viên chị đi khám. Hết khám phụ khoa, điều trị nội tiết nhưng tình hình của chị vẫn không thay đổi. Cuối cùng, chị đến Viện Sức khoẻ tâm thần thăm khám.
TS Nguyễn Văn Tuấn chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm gene, nội tiết, tâm thần... nhưng tất cả đều cho kết quả bình thường.
Khai thác kỹ tiền sử bệnh nhân, BS Tuấn phát hiện khi trẻ, chị T. bị lạm dụng tình dục. Chính điều đó khiến người phụ nữ này hoàn toàn không có cảm xúc, không dám gần gũi chồng. Chị được chẩn đoán xác định bị rối loạn chức năng tình dục.
Theo PGS Tuấn, phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề cá nhân, gia đình, sự nghiệp, tài chính và một loạt các nhu cầu khác trong cuộc sống của họ. Căng thẳng, mất tập trung, mệt mỏi… có thể làm giảm ham muốn tình dục, đặc biệt khi chị em đồng thời phải chăm sóc trẻ nhỏ hoặc các thành viên khác, đối phó với bệnh mạn tính, cảm thấy chán nản, hoặc bị lạm dụng...
PGS Tuấn lưu ý, không ít bệnh nhân khi giảm hoặc không có ham muốn tình dục, lãnh cảm đã tự đi kiếm thuốc để điều trị cải thiện bằng các thuốc tương tự "cường dương" của nam giới. Trong khi đó, thuốc trong điều trị tăng cường tình dục là thuốc kê đơn, có chỉ định chặt chẽ, thậm chí phải cho từng cá nhân riêng biệt. Do đó, bệnh nhân mắc chứng trên đây không nên tự mua thuốc, phải có sự chỉ dẫn của người có chuyên môn.