Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 01 giờ sáng nay (29/10), tâm áp thấp nhiệt đới chỉ cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ sáng mai (30/10), tâm bão cách các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa khoảng 410km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 31/10, tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, dự báo mưa rất lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong hai ngày 30-31/10, các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to (tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt). Từ ngày 31/10 đến 02/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (Tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500mm/đợt).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ ngày 04-05/11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.
Từ ngày 30/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ diện rộng với mực nước đỉnh lũ trên các sông ở mức BĐ2 đến BĐ3, trên các sông suối nhỏ và thượng lưu các sông lên trên mức BĐ3, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại các khu vực trên.