Bão Damrey đe dọa đê bao cồn trên sông Hậu

Vỡ đê bao cồn Khương ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ gây ngập nhà dân hồi tháng 8 âm lịch Ảnh: Minh Trung
Vỡ đê bao cồn Khương ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ gây ngập nhà dân hồi tháng 8 âm lịch Ảnh: Minh Trung
TPO - Theo dự báo, Những ngày tới Cần Thơ sẽ có mưa, mưa to kèm theo dông. Đặc biệt, sẽ có thêm đợt triều cường lớn dịp rằm tháng 9 âm lịch sẽ gây ngập lụt đô thị và đe dọa đê bao thuộc các cồn trên sông Hậu.

Sáng 2/11, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố chủ trì họp khẩn các thành viên ban này bàn cách ứng phó với cơn bão số 12 đang diễn biến phức tạp trên biển Đông và đợt triều cường lớn dịp rằm tháng 9 âm lịch.

Giám đốc Đài khí tượng thủy văn TP.Cần Thơ - ông Phan Thanh Hải cho biết sáng 2/11, áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 12 với tên quốc tế là Damrey. Dự báo 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục mạnh thêm.

Đến 7 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,0 độ vĩ Bắc; 109,9 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (90 - 115km/giờ), giật cấp 14. Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km...

Bão Damrey đe dọa đê bao cồn trên sông Hậu ảnh 1 Quang cảnh cuộc họp  Ảnh: Cảnh Kỳ

Những ngày tiếp theo, Cần Thơ sẽ có mưa, mưa vừa, mưa to kèm theo dông, đề phòng gió giật mạnh và lốc xoáy. Đặc biệt, trong những ngày này sẽ có thêm đợt triều cường lớn dịp rằm tháng 9 âm lịch. Dự báo mực nước trong các ngày 5, 6, 7/11 cao hơn mức báo động 3 từ 0,10 - 0,15m, gây ngập lụt đô thị và đe dọa đê bao thuộc các cồn trên sông Hậu.

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp khẩn trương lập phương án ứng phó bão số 12 và triều cường; tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của thành phố về chủ động, tăng cường công tác ứng phó cơn bão, chống ngập úng, hạn chế thiệt hại; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện đê bao xung yếu để có biện pháp khắc phục, gia cố.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong những ngày xảy ra bão, triều cường, mưa lớn, ngập lụt để theo dõi, nắm chắc mọi tình hình để kịp thời ứng phó, thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố giám sát, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 12, triều cường tại các địa phương phụ trách, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra...

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP.Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản, thông báo khẩn gửi đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp để cảnh giác, chủ động ứng phó thiên tai. Đồng thời huy động mọi lực lượng, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng phó trong tình huống xấu nhất. Lực lượng cứu hộ thành phố cũng có kế hoạch liên hệ với lực lượng cứu hộ các tỉnh lân cận, phòng khi có sự cố...

Sóc Trăng: Tàu thuyền đang khẩn trương vào bờ

Chiều 2/11, trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), tỉnh Sóc Trăng đã rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị ứng phó với ATNĐ, tránh những thiệt hại cho nhân dân.

Hiện tại , tỉnh Sóc Trăng có tổng số 214 tàu, trong đó có 193 tàu đánh bắt xa bờ với 1.150 thuyền viên và tàu đánh bắt gần bờ là 21 tàu, với số thuyền viên 42 người. Hiện tại nhiều tàu đã cặp bến cảng neo đậu an toàn và một số tàu đang trên đường di chuyển trở về cảng neo đậu; các tàu đang giữ liên lạc với Bộ đội Biên phòng tỉnh rất tốt. 

Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề, TX. Vĩnh Châu tập trung thông tin liên tục về ATNĐ để chủ các phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển nắm bắt và chủ động tránh, trú. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; chủ động các phương án phối hợp với các lực lượng khác để sơ tán tại chỗ đối với người dân sống ven biển nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản. Theo ghi nhận của PV, chiều ngày 02/11, nhiều tàu đánh cá của ngư dân đã và đang vào cảng Trần Đề tránh bão.

MỚI - NÓNG