Báo cáo Quốc hội phương án đường bộ và đường sắt cao tốc đi chung

Cao tốc Láng - Hoà Lạc đã được quy hoạch và giải phóng mặt bằng để đường sắt đi ở giữa. Ảnh: Như Ý.
Cao tốc Láng - Hoà Lạc đã được quy hoạch và giải phóng mặt bằng để đường sắt đi ở giữa. Ảnh: Như Ý.
TP - Cơ quan nghiên cứu dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam cho hay, đã cho chạy thử phương án hướng tuyến của đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao và cho thấy,  khu vực miền Trung có nhiều đoạn có thể đi trùng. Vấn đề này được một số đại biểu Quốc hội đặt ra và sẽ tiếp tục giải trình trước Quốc hội trong những ngày tới.

Chạy trùng khoảng 183 km

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Cty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) cho hay, việc đặt vấn đề đường sắt và đường bộ đi chung một hành lang là cần thiết và có tính khả thi về mặt kỹ thuật, một số nước đã áp dụng. Theo ông Sơn, ngoài một số ý kiến của các chuyên gia đã được Tiền Phong phản ánh trong bài “Cao tốc đường bộ tách riêng đường sắt, lãng phí lớn” (số ra ngày 21/10), một số đại biểu thuộc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã đặt ra nội dung này.

Để trả lời vấn đề này, Tedi đã cho chạy thử thiết kế phương án đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao. Kết quả cho thấy, suốt chiều dài từ Bắc đến Nam, đường bộ và đường sắt có thể đi trùng 183 km, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, con số 183 km trong suốt chiều dài 1.550 km của đường sắt tốc độ cao là không lớn. Ông Sơn phân tích: Trong quá trình nghiên cứu, hướng tuyến của các tuyến giao thông trục Bắc – Nam ưu tiên số 1 là hướng tuyến dành cho đường sắt cao tốc, sau đó mới đến đường bộ cao tốc.

“Các địa phương, đặc biệt là miền Trung đề nghị hạn chế chia cắt phần đồng bằng nên đường bộ cao tốc có xu hướng chếch lên phía Tây. Còn đường sắt cao tốc sẽ vẫn được ưu tiên chạy dưới đồng bằng để dễ dàng kết nối với đô thị chủ yếu nằm ở phía Đông. Đường sắt cao tốc cần đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất, bằng phẳng, giảm tối đa độ cong của hướng tuyến nên rất nhiều đoạn sẽ đi trên cao (chạy trên cầu cạn - PV), giảm chia cắt địa hình của các tỉnh. Chính vì vậy, chỉ những đoạn có địa hình hẹp, phương án đi chung mới khả thi” – ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, những đoạn tuyến đường bộ và đường sắt đi trùng nhau sẽ có thể tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng, một phần chi phí xây dựng… Tuy nhiên, do yêu cầu kỹ thuật của đường sắt rất cao, dù đi chung vẫn phải xử lý kỹ thuật. “Nếu đường bộ chạy ngay sát đường sắt tốc độ cao, một viên đá từ đường bộ va vào tàu, hay xe đường bộ tông sang phía đường sắt sẽ gây thảm họa. Vì thế, phải nghiên cứu rất cụ thể về việc này” - ông Sơn phân tích và cho biết thêm, hiện Tedi đang gấp rút chuẩn bị các nội dung cho tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội về cao tốc Bắc – Nam, trong đó sẽ có nội dung nêu trên.

Mục tiêu cao nhất là an toàn, hiệu quả

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, việc đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc đi cạnh nhau cũng đã được nhiều nước áp dụng. Ngay tại nước ta, giải phân cách giữa của tuyến cao tốc Láng – Hòa Lạc (Hà Nội) cũng đã được quy hoạch cho đường sắt đô thị đi vào.

Theo ông Đông, trước hết, Bộ GTVT sẽ vẫn tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật của các tuyến đường để đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn, hiệu quả khi khai thác. “Việc nghiên cứu hai tuyến đi chung tất nhiên sẽ nhiều lợi ích. Lợi ích có thể thấy ngay là tiết kiệm giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, tương quan qua lại của hai dự án sẽ phải ưu tiên xem xét đến các yếu tố mang tính quyết định hơn như sự an toàn, hiệu quả của từng dự án, hạn chế giao cắt giữa hai tuyến...”- ông Đông nói.

Để cụ thể hóa hơn nữa nội dung này, Bộ GTVT đang cập nhật lại dự án đường sắt cao tốc đã trình Quốc hội năm 2010 trước đây. Trong phương án cập nhật, hướng tuyến của dự án đường sắt tốc độ cao trong mối tương quan với đường bộ sẽ được xem xét cụ thể. “Hiện Bộ GTVT đang có kế hoạch cập nhật để trình Quốc hội vào năm 2019, lúc đó các phương án sẽ rất rõ ràng” – ông Đông cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Đông và ông Phạm Hữu Sơn đều cho rằng, việc xem xét ngay lập tức quy hoạch hướng tuyến đường sắt tốc độ cao và giải phóng mặt bằng luôn cùng cao tốc Bắc – Nam đều không thể. Nguyên nhân được đưa ra là hai dự án triển khai độc lập, quy định hiện hành không cho phép lấy kinh phí của dự án này để giải phóng mặt bằng cho dự án khác.

MỚI - NÓNG