Nhiều nơi ở Hải Phòng làm bánh đa sợi, nhưng có tiếng nhất phải là bánh đa khu Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân và bánh đa chợ Hỗ, huyện An Dương. Bánh đa phải làm bằng thứ gạo ngon, xay thành bột mịn và tráng cho mỏng đều, phơi vừa khô thì cắt ra thành sợi.
Bánh đa có loại sợi nhỏ và loại sợi to, màu trắng hoặc màu vàng da bò. Nhiều người thích ăn bánh màu vàng da bò, vì trông bát canh đẹp mắt, gợi thú thèm ăn.
Còn cua thì phải là cua đồng (rốc), không phải cua biển. Cua đồng ngon nhất là loại sống ở các hang hốc bờ ruộng, hoặc ao, đầm. Cua đồng giầu đạm, béo ngậy, ăn mát và bổ.
Làm cua, nấu canh cua cũng khá kỳ công. Nồi nước cua trước khi nấu, phải cho ít mắm tôm mới ngon.
Nhiều chủ quán còn ninh riêng xương lợn, lấy nước dùng, rồi đổ hoà vào nồi nước riêu cua khi sắp sôi. Lúc này, mới đổ gạch cua vào nồi. Canh cua khi đã sôi thì phải để sôi nhỏ lửa, nước canh mới đậm đà, không bị “xác”.
Bánh đa cua thập cẩm là ngon nhất: có tôm (loại tôm sông, tôm bể nhỏ) vàng rượm, có thịt lợn xào mộc nhĩ, hai cái chả thịt lợn bọc lá lốt nức mùi thơm ngậy, hoặc mấy cái chả cá nhỏ như đồng xu và mấy miếng chả thịt lợn to hơn hòn bi trẻ con vẫn chơi.
Tuỳ sở thích và túi tiền của người ăn mà thêm hoặc bớt thứ nọ, thứ kia. Nhưng bánh đa cua nào cũng phải có thêm món rau: ưa nhất là rau muống lá liễu, mỏng cuộng; hoặc rau cải xanh chần tái, hành tươi và rau rút (rau nhút).
Trên bàn ăn, còn nhiều thứ gia giảm rất bắt miệng: đĩa ớt tươi cắt miếng, lọ hạt tiêu bắc, lọ dấm tỏi, tương ớt, đĩa đựng những miếng chanh quả hoặc quất, đĩa rau sống đủ gia vị, v. v...
Bát canh bánh đa cua nóng sốt, màu sắc đẹp mắt, bốc hương vị thơm ngậy tuyệt vời. Ăn bánh đa cua ngon, chắc dạ.
Bạn ăn một bát bún riêu hoặc bát phở khoảng hai tiếng đồng hồ sau bụng đã đói meo! Đằng này, ăn bát bánh đa cua từ sáng đến 11 giờ vẫn no, đủ sức làm việc tốt. Bởi thế, đông đảo người Hải Phòng rất thích bánh đa cua.