Ngày 24/5, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018.
Chỉ số CCHC là công cụ quản lý được Bộ Nội vụ xây dựng và áp dụng từ năm 2012 đến nay nhằm giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan kết quả CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương.
Chỉ số CCHC bao gồm 2 Bộ tiêu chí đánh giá riêng cho cấp bộ, cấp tỉnh được thiết kế, xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa và bám sát các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, các tỉnh thực hiện.
Kết quả chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ chia làm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất, đạt kết quả chỉ số CCHC trên 80%, bao gồm 14 bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Ngoại giao…
Nhóm thứ hai đạt kết quả CCHC từ trên 70% đến dưới 80% gồm 4 bộ: Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế và cuối cùng là Bộ GTVT.
Đối với kết quả CCHC 2018 của các tỉnh, thành phố được phân thành 4 nhóm A (trên 80%); nhóm B (75-80%); nhóm C (70 – 75%); nhóm D (dưới 70%). Quảng Ninh giữ vững ngôi đầu bảng xếp hạng với kết quả chỉ số đạt 89,06% - cao hơn 5,08% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Hà Nội. Phú Yên là địa phương xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố với kết quả đạt 69,53%.
Kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2018 (SIPAS 2018) là 82,99% - tăng hơn 2% so với năm 2017. Chỉ số hài lòng về 4 yếu tố là: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức, kết quả dịch vụ tăng so với năm 2017. Tuy nhiên, chỉ số hài lòng về yếu tố tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị giảm.