“Khủng bố”, dọa giết để đòi tiền
Những ngày qua, bà Đào Mộc Mộng Hằng (43 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cùng ba con nhỏ sống trong nơm nớp lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên vì bị các đối tượng lạ mặt đến nhà đập phá, khóa trái cửa, liên tục gọi điện thoại dọa giết để yêu cầu trả món nợ mà bà chưa từng vay mượn.
Theo lời bà Hằng, ngày 12/1, có một thanh niên đến nhà cũng là trụ sở công ty của mình trên đường 28, phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM hỏi ông Phan Mạnh Hà (45 tuổi, chồng cũ bà Hằng), để đòi số tiền 170 triệu đồng gồm 70 triệu đồng tiền gốc và 100 triệu đồng tiền lãi. Thanh niên này nói nếu không trả nợ, số lãi sẽ tiếp tục tăng rất nhanh.
Khi bà Hằng trả lời bà và ông Hà đã ly hôn và không sống chung gần 6 năm nay thì người này yêu cầu bà Hằng trả thay nhưng bà không đồng ý vì không hề hay biết khoản vay đó.
Nhóm giang hồ đập phá trước nhà bà Hằng yêu cầu bà trả nợ cho chồng cũ |
Khi thanh niên này rời đi, bà Hằng tưởng mọi chuyện đã xong. Tuy nhiên, đến sáng 15/1, một nhóm giang hồ khoảng 10 người đến trước nhà bà Hằng lớn tiếng đe dọa, dùng một thanh kim loại khóa trái cửa, đập phá chậu cây, thùng rác trước cửa rồi rời đi. Tiếp đó, những người này liên tục gọi điện thoại đe dọa, yêu cầu bà Hằng phải trả nợ thay chồng cũ.
Quá lo lắng cho an toàn của bản thân và các con, bà Hằng trình báo Công an địa phương và trích xuất hình ảnh camera an ninh để cung cấp cho Công an. Tuy nhiên, khi Công an đến hiện trường thì các đối tượng này đã không còn có mặt ở đó nữa.
“Họ gọi điện thoại dọa chặt chân, chém cả nhà nếu không trả khoản nợ mà tôi không hề hay biết. Những ngày qua, cả gia đình phải sống trong hoang mang, lo sợ vì không biết họ có thể làm những việc gì nữa”, bà Hằng lo lắng.
Cũng rơi vào hoàn cảnh như bà Hằng, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, gia đình chị Phạm Hoàng Anh (ở quận Tân Phú, TPHCM) liên tục bị các đối tượng lạ mặt tạt sơn, mắm tôm vào nhà. Họ còn rải tờ rơi yêu cầu chị phải trả nợ, dù bản thân chị và các thành viên trong gia đình không có khoản vay nào. Bị tạt sơn, chất bẩn khiến cánh cửa, tường nhà và nền gạch men loang lổ, bốc mùi khó chịu, chị Anh phải thuê thợ đến cạo rửa.
“Nửa đêm khi cả nhà đang ngủ thì giật mình thức dậy vì họ đập cửa, ném sơn vào nhà. Có hôm chồng tôi chở con nhỏ cũng bị chúng chặn đường dọa nạt. Gia đình tôi không hề vay mượn của ai, cũng không gây hiềm khích với ai mà không hiểu sao họ lại đến khủng bố rồi yêu cầu trả nợ”, chị Anh nói và cho biết sau khi trình báo, Công an địa phương cũng đã đến ghi nhận hiện trường, điều tra vụ việc.
Gia đình chị Anh bị các đối tượng lạ mặt tạt sơn “khủng bố” |
Mạnh tay trấn áp
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM cho hay, những ngày cuối năm tình trạng “tín dụng đen”, đòi nợ thuê lại “nóng” lên do nhiều người dân gặp khó khăn phải chấp nhận vay lãi cao. Các đối tượng đòi nợ bằng cách gọi điện, nhắn tin để uy hiếp tinh thần, thậm chí vu khống, bôi nhọ nhân phẩm của “con nợ” và người thân. Khi người vay không trả nợ đúng hạn đã bị các đối tượng tạt chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích...
Từ ngày 1/12/2020 đến nay, TPHCM ghi nhận 347 trường hợp ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa, liên quan đến các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Lực lượng Cảnh sát hình sự đã phát hiện 120 vụ việc có liên quan đến “tín dụng đen”. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 45 vụ án với 65 bị can liên quan hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê. Trong đó khởi tố 10 vụ với 27 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt hành chính 3 vụ, 4 đối tượng; tạm đình chỉ 12 vụ, đang điều tra xác minh 49 vụ.
Trong thời gian tới, Công an TPHCM tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”, không để các băng nhóm lộng hành, gây hoang mang cho người dân. Đặc biệt là các địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận, khu vực vùng ven là nơi các băng nhóm này chọn làm nơi ẩn náu.
Bên cạnh đó, Công an TPHCM sẽ tham mưu chính quyền địa phương có kế hoạch khảo sát những hộ nghèo có nhu cầu vay vốn, đơn giản hóa thủ tục cho vay để người dân có nhu cầu vay vốn có thể tiếp cận các nguồn vay từ ngân hàng chính sách xã hội của quận, huyện hoặc thành lập các quỹ cho vay hỗ trợ người nghèo của từng phường, xã, thị trấn gắn với chính sách giải quyết việc làm cho người lao động. Việc này giúp người dân khó khăn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn, tránh tình trạng phải đi vay của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi cao.
Đồng thời, tổ chức rà soát và quản lý chặt các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”; thường xuyên cập nhật tình hình, hình thức hoạt động biến tướng của các băng nhóm, đối tượng đòi nợ thuê để triển khai các biện pháp kịp thời, cụ thể, giải quyết thực chất tình trạng này trong thời gian tới. Công an TPHCM cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan hoạt động “tín dụng đen” và đòi nợ thuê…