Bắng nhắng những chiếc răng

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa giới thiệu cây lấu, một dược liệu quý của Việt Nam dùng điều trị bệnh về răng Ảnh: T.N.A
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa giới thiệu cây lấu, một dược liệu quý của Việt Nam dùng điều trị bệnh về răng Ảnh: T.N.A
TP - Cứ 45.000 dân Việt Nam mới có một nha sĩ. Nhưng điều đó không ngăn cản người ta đua nhau khoe răng. Trái ngược với 30 năm trước và như để trả thù thời kỳ khó khăn ấy, nhiều người bây giờ lao đi hàn, trám, niềng, thay, khoan răng, lắp kim cương cho răng. Bên cạnh đó, một lớp người vẫn duy trì những hình thức quái dị để bảo vệ một “góc con người”.

> Súc miệng bằng nước muối có tốt cho răng?

Súc miệng bằng… nước tiểu

Trước kia thịnh hành nghề nhổ răng dạo cho trẻ con. Thầy lang đi xe đạp, dụng cụ vọn vẻn một ống chỉ với ít than.

Khi trẻ con sắp thay răng, người ta buộc sợi chỉ, một đầu cột vào cái răng lung lay, một đầu buộc vào ngón chân cái. “Đứng lên đi” – thầy lang bảo với bệnh nhân, thế là cái răng đã rơi khỏi miệng.

Hoặc, buộc dây chỉ vào răng và cục đá. Thầy lang nói với bệnh nhân: “Hãy ném đá đi càng xa càng tốt”, lập tức răng bay khỏi mồm.

Những chiêu thức dân gian rất phong phú, khó kiểm chứng hiệu quả. Nhưng nhiều trường hợp, chúng đã được khẳng định.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa giới thiệu cây lấu, một dược liệu quý của Việt Nam dùng điều trị bệnh về răng Ảnh: T.N.A
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa giới thiệu cây lấu, một dược liệu quý của Việt Nam dùng điều trị bệnh về răng.  Ảnh: T.N.A.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa nói: “Thầy của tôi là võ sư Xuân Bình, 95 tuổi mà răng vẫn nguyên xi. Thầy cắn răng phát ra tiếng kêu vang xa như gõ gỗ cứng vào nhau vậy. Sáng nào thầy tôi cũng vệ sinh răng bằng cách súc miệng nước tiểu của chính mình”.

Anh Thanh làm ở Nhà in bên quân đội cũng cho biết: “Với người hay đánh răng bây giờ, vệ sinh răng miệng bằng phương pháp cổ truyền là khá lạ lùng, nhưng ông của tôi đến giờ vẫn giữ thói quen sáng sáng súc miệng bằng nước tiểu”.

“Chủ nghĩa nhổ”

Năm 12 tuổi, khi chữa răng với thầy lang không hết đau, tôi đã gặp một nha sĩ địa phương. Nha sĩ chẳng nói chẳng rằng, bảo tôi há ra để ông tẩm thuốc tê rồi đưa cái kìm đen thui vào vào giật phăng cái răng của tôi.

Không chữa được thì nhổ béng nó đi, đó là tư duy chữa bệnh giản đơn đặc trưng một thời.

Bác sĩ nha khoa tên Nhật nói, thời bao cấp, đặc biệt ở miền Bắc, nha khoa hầu như không có gì.

Ở Sài Gòn, đến những năm 1980 vẫn dùng phương tiện và vật liệu trước năm 1975. Nha khoa các nước thuộc khối Đông Âu hầu như không đáp ứng được.

Chị Báu, bác sĩ nha khoa đầu tiên của cách mạng ở TPHCM, nói: “Khóa chúng tôi gồm 18 sinh viên. Tháng 4-1975, đúng tháng tốt nghiệp của chúng tôi thì giải phóng.

Các thầy đi di tản nhiều, chúng tôi không kịp tổ chức kỳ thi nên không có bằng. Sau khi cách mạng vào tiếp quản, chúng tôi học thêm một năm nữa và được cấp bằng, nên chúng tôi cũng là khóa nha khoa đầu tiên ở miền Nam sau 1975”.

Thời đó nha khoa rơi vào khủng hoảng. Một lần chỉnh răng chi phí bằng cả tháng lương. Ai ai cũng sống bằng tem phiếu và hợp tác xã nên chẳng có tiền mặt đi chữa răng.

“Chúng tôi làm việc ở địa phương, dân đau răng nhiều lắm, chỉ biết xúm nhau vào nhổ. Không nhớ nổi mỗi ngày đã nhổ bao nhiêu cái của bà con”, bác sĩ Báu nói.

Là nha sĩ, nhưng chị được điều động về … bệnh viện tâm thần. Gia đình không đồng ý, chị không đến nhiệm sở nhận việc. Từ năm 1986, linh kiện máy móc về ngành răng mới được nhập về, các phòng nha mở trở lại nhiều hơn.

Răng kim cương

Quảng cáo trồng răng gắn kim cương
Quảng cáo trồng răng gắn kim cương.

Bác sĩ Nhật làm ở một phòng răng tại phường Tân Định, quận 1, TPHCM nói: “Toàn thành phố ước có khoảng 500 phòng khám nha khoa. Một con đường có mấy phòng khám”.

Cơ chế thị trường cho người ta cơ hội được mặc đẹp, được ăn ngon. Việc giữ răng, làm đẹp răng trở thành nhu cầu lớn. Như để bù đắp tháng ngày bao cấp gần như vắng bóng ngành nha, những người đã ở độ tuổi trung niên lao đi khám răng.

Nhiều ý tưởng giữ răng được đưa ra và không hiếm ý tưởng quái dị. Để giữ lại những chiếc răng người, theo bác sĩ Báu, người ta chỉ có thể trồng trở lại cho chủ nhân khi chúng mới bị rời ra (chẳng hạn sau vụ tai nạn giao thông, cho ngay răng vào lọ, đưa đến bệnh viện), “nhưng dù làm như vậy thì tủy răng cũng đã chết”.

Các giả thiết hoang đường như lấy răng của người chết, hiến răng, mua lại răng người khác, tận dụng bộ nhá của tử tù… đều bị bác bỏ: “Người ta phải uống thuốc chống đào thải suốt đời nếu trong miệng lại có răng của người khác”.

Những cái răng bị mất từ thời bao cấp khiến phần xương đỡ đã tiêu biến. Phải ghép xương vào hàm để trồng. Xương nhân tạo hoặc xương lấy từ bộ phận nào đó trên người. Quá trình điều trị trải qua nhiều lần phẫu thuật, tốn kém mà đau đớn.

Cắm ghép implant, được quảng cáo “giải pháp hoàn hảo khi mất răng”, “đẹp tự nhiên, nhai như thật” đang hút khách trung niên. Các phòng nha cắm một cái cùi bằng kim loại không gỉ như một viên đạn vào hàm để lắp răng giả. Kỹ thuật này tiêu tốn từ 1.200-1.500 USD cho mỗi chiếc.

Không được nắn chỉnh từ lúc nhỏ, răng của một thế hệ đã bị xô lệch, hô, vẩu khá nhiều. Chỉnh răng, được báo giá lên tới 30 triệu đồng, tương đương một năm lương của công chức bình thường.

Vấn đề không chỉ tốn kém. Chị Hiên, một người quen của chúng tôi, đã bị nhổ bay 4 cái răng cửa chỉ để niềng chỉnh răng. Sau đó, hàm của cô đều hơn, nhưng chủ nhân sút 10kg và hàm răng sau đó sức nhai yếu đi.

Thế hệ con cái của chị Hiên đã có ý thức hơn với việc giữ hàm răng của mình. Việc nhổ răng không thể diễn ra tùy tiện nữa. Trẻ em cũng được niềng răng từ độ tuổi thiếu niên.

Nhưng, khi hàm răng được quan tâm thái quá cũng dẫn tới sự quá khích nào đó. Nhiều phòng nha quảng cáo dịch vụ gắn kim cương lên răng. Nhiều cô cậu “khoe răng” cùng những viên kim cương 4-5 triệu đồng.

Khoan lủng để gắn kim cương chắc chắn tổn hại tới tương lai, nhưng dường như việc “tỏa sáng” hàm răng trong các vũ trường khiến người ta dễ tìm bạn tình hơn!

Bỏ ngỏ răng ta

Một nha sĩ nói với tôi rằng nghề của anh một vốn bốn lời. “Chỉ lương tâm của người nha sĩ mới biết chất liệu của cái răng làm bằng vàng, kim loại quý, hay một vật liệu khác”.

Giá một chiếc răng Vita toàn sứ khoảng 6 triệu đồng, trong khi vật liệu trôi nổi chỉ 200.000 đồng.

“Không đơn giản mà lương kỹ thuật viên làm răng giả trong labo lên tới 30 triệu đồng/tháng, cao rất nhiều so với lương một giáo sư, bác sĩ”, một nha sĩ nói.

Nhiều bác sĩ nha khoa cho là phi lý khi giá một khóa đào tạo chuyên môn về kỹ thuật chỉnh răng lên tới 100 triệu đồng.

Thị trường nghề nha, tuyệt đại đa số do công ty nước ngoài nắm giữ, hầu hết máy móc, linh kiện, nguyên liệu, công nghệ đều phải nhập. Các bác sĩ răng Việt Nam được trả công dựa trên sản phẩm hoặc theo giờ làm việc.

Họ phải hứng chịu khá nhiều phiền toái khi rủi ro xảy ra. Để chỉnh nha thật chuẩn, bác sĩ phải theo dõi và làm việc với bệnh nhân vài năm ròng rã.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, người chưa bao giờ bị đau răng và thường đánh răng bằng nước muối trộn với bột than dừa, nói: “Khuyết điểm của đông y mình là để trống hoàn toàn lĩnh vực nha”.

Một khi ngành nha phải phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài, từ thiết bị đến từng cái răng giả lẫn các chuyên gia, việc xây dựng ngành nha có chiều sâu trong nước là điều không dễ. Trong khi đó, thời đại súc miệng bằng nước tiểu thì đã qua.

Khi hàm răng được quan tâm thái quá cũng dẫn tới sự quá khích nào đó. Nhiều phòng nha quảng cáo dịch vụ gắn kim cương lên răng. Nhiều cô cậu “khoe răng” cùng những viên kim cương 4-5 triệu đồng. Khoan lủng để gắn kim cương chắc chắn tổn hại tới tương lai, nhưng dường như việc “tỏa sáng” hàm răng trong các vũ trường khiến người ta dễ tìm bạn tình hơn!

4- 2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG