Bản quyền truyền hình V.League thuộc về ai?

Bản quyền truyền hình V.League thuộc về ai?
TP - Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp, bản quyền truyền hình các trận đấu tại các giải bóng đá thuộc về LĐBĐVN (VFF). Ngày 8-12-2010, VFF đã ký hợp đồng độc quyền bản quyền truyền hình V.League trong 20 năm với Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Cung cấp miễn phí bản quyền V-League 2012

Cần nhắc lại một chút về hợp đồng độc quyền truyền hình V.League của VFF với AVG nói trên. Theo văn bản VFF gửi đến các thành viên, đầu năm 2010, AVG đặt vấn đề mua bản quyền truyền hình các giải thi đấu của VFF. BCH VFF sau đấy đã tổ chức các vòng đàm phán sơ bộ, có thông qua ý kiến (đồng ý về chủ trương) của Bộ VH-TT&DL. Cuộc họp của BCH VFF diễn ra tháng 7-2010 (gồm 16/23 thành viên, vắng 7), đã nhất trí thông qua Nghị quyết đồng ý chủ trương và ủy quyền cho Thường trực BCH VFF tiếp tục đàm phán với AVG.

Ngày 8-12, hợp đồng giữa đôi bên được ký kết với thời hạn là 20 năm.

Vấn đề nảy sinh khi hội nghị của VFF với 28 CLB tham dự V.League và giải hạng Nhất diễn ra ngày 29-9 vừa qua đã đi đến thống nhất thành lập công ty cổ phần tổ chức sự kiện, tạm gọi là VPF, thay thế BTC giải của VFF điều hành các giải đấu. Người khởi xướng ra đề án trên, chủ tịch CLB HN.ACB Nguyễn Đức Kiên. Ông Kiên trước đó đã lên tiếng yêu cầu VFF phải xem xét lại hợp đồng độc quyền bán bản truyền hình V.League cho AVG của VFF.

Theo ông Kiên, việc ký hợp đồng truyền hình có thời hạn lên tới 20 năm là “không hề thấy trên thế giới”. Hợp đồng của VFF với AVG cũng có thể ảnh hưởng sâu rộng tới bóng đá VN. Quan điểm của ông Kiên đã nhận được sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo các CLB khác, trong đó có TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh.

Điều 53 Luật Thể dục, thể thao quy định, liên đoàn thể thao quốc gia, CLB thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có tổ chức giải thể thao thành tích cao (TTTTC) và giải thể thao chuyên nghiệp (TTCN) là chủ sở hữu giải TTTTC và TTCN do mình tổ chức.

Hội nghị thành lập công ty cổ phần điều hành V.League cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý và quyền lợi
Hội nghị thành lập công ty cổ phần điều hành V.League cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý và quyền lợi. Ảnh: VSI

Tuy nhiên, theo Quy chế BĐCN ngày 19-1-2010 ban hành theo quyết định số 29/QĐ-LĐBĐVN ngày 21-1-2010 quy định cụ thể về LĐBĐVN khai thác bản quyền truyền hình theo quy định của pháp luật VN tại điều 68 thì “Bản quyền truyền hình các trận đấu tại các giải bóng đá thuộc về LĐBĐVN, chỉ có LĐBĐVN mới có quyền thương thảo và ký kết các Hợp đồng hoặc cho phép các đối tác ký kết hợp đồng về bản quyền truyền hình trực tiếp ở tất cả các trận đấu”.

Như thế, liệu quy chế BĐCN của VFF có trái với Luật Thể dục, thể thao? Đây cũng là vấn đề được Chủ tịch HN.ACB Nguyễn Đức Kiên nêu ra ở hội nghị 28 CLB.

Trao đổi với PV Tiền Phong hôm qua, Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Nhìn chung hệ thống các giải vẫn là của VFF, chỉ thay đổi trong cách quản lý, điều hành là để VPF thay. VFF vẫn là đại diện quản lý các CLB và giải đấu. Nếu VFF không công nhận V.League thì giải không hợp lệ. Hợp đồng của VFF với AVG đã ký rồi, có thể là chỉ trao lại cho VPF khai thác thôi. Mục tiêu của VPF cũng không phải là vì lợi nhuận, mà lợi nhuận được chia lại cho các cổ đông”.

Câu trả lời của ông Viễn có thuyết phục hoàn toàn hay không, chắc chắn rất cần thêm thời gian.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG