> 70.000 tỉ đồng cho một đề án giáo dục
Sẽ đầu tư 70.000 tỷ đồng để đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông? Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Đề án 70 nghìn tỷ đồng
Dự thảo đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 (gồm 32 trang mà Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam nhận được từ Bộ GD&ĐT), đề xuất tiến hành đồng thời việc xây dựng chương trình từ tiểu học đến THPT, xây dựng chương trình các môn học và hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12. Việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) cũng tiến hành theo phương thức tương tự.
Việc thử nghiệm dự kiến bắt đầu từ năm học 2015 - 2016, cũng theo phương thức tiến hành đồng thời cả ba cấp học, một hoặc hai lớp học trong từng cấp học. Chỉ thử nghiệm nội dung mới, khó của chương trình, SGK tại một số địa phương đại diện cho các vùng miền và những nơi tình nguyện tham gia.
Việc triển khai chính thức sẽ bắt đầu ngay sau khi thử nghiệm được hai năm, từ năm học 2017 - 2018 tiến hành đồng thời ba cấp học. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ không yêu cầu triển khai đại trà như từng làm mà nơi nào có đủ điều kiện tối thiểu (giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị...) triển khai trước, nơi nào chưa đủ điều kiện thì lập kế hoạch và có lộ trình phấn đấu đủ mới thực hiện. Dự kiến năm 2022 là thời điểm triển khai đại trà đến lớp học cuối cùng.
Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến 70 nghìn tỷ đồng, trong đó phần lớn kinh phí dành cho việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện để triển khai: Xây dựng cơ sở vật chất - 35.000 tỷ đồng; Mua sắm đồ dùng thiết bị dạy học - 30.050 tỷ đồng; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý - 397 tỷ đồng; Triển khai thí điểm chương trình, SGK - 3.591 tỷ đồng.
Hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đề án là xây dựng chương trình và biên soạn SGK dự kiến được phân bổ 962 tỷ đồng (bao gồm cả chương trình, SGK giáo dục thường xuyên).
Quy trình ngược?
Theo nhiều học giả, dự thảo đề án họ được tiếp cận là phiên bản 12 do Bộ GD&ĐT gửi đến Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đầu tháng 5 để lấy ý kiến đóng góp. Ngày 1-6, Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo đề án. Ngoài đại diện các cơ quan hữu quan của Bộ GD&ĐT, 10 chuyên gia có mặt tại hội thảo đều bày tỏ thái độ không đồng tình với quy trình thực hiện cũng như nội dung đề án.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Kế Hào (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT) nói: “Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI yêu cầu phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Vậy đổi mới căn bản toàn diện là đổi mới những gì? Hệ thống giáo dục phổ thông của ta rồi đây có duy trì mô hình 12 năm như hiện nay hay đổi thành 9 năm, 10 năm như các nước?
Hơn nữa, hiện nay chúng ta chưa có chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020. Bộ GD&ĐT căn cứ vào đâu để soạn thảo đề án? Theo tôi nên xem như chưa có dự thảo đề án này. Những ai đã đọc nó nên xem đó là bản nháp của một nhóm tác giả phác thảo một công việc nhỏ nằm trong một hệ thống nhiều việc cần làm”.
Ý kiến của TS Nguyễn Kế Hào trùng với quan điểm của hầu hết chuyên gia mà PV Tiền Phong phỏng vấn. Họ cho rằng, ngoài quy trình ngược, dự thảo đề án còn thiếu cớ hợp lý để xuất hiện.
GS Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ Kh&CN) nhận xét: “Chương trình, SGK hiện hành thực hiện từ năm 2002 đến nay chưa được tổng kết, nghĩa là khiếm khuyết của chương trình trước chưa được phân tích, mổ xẻ một cách đầy đủ mà đã làm cái mới. Chính vì vậy mà nội dung đề án không cụ thể, không rõ ràng.
Làm thế nào giảm tải nội dung chương trình học? Làm thế nào giải quyết vấn đề phân luồng, tránh tình trạng học sinh cứ học xong phổ thông là thi đại học? Hệ thống thi cử nhiều bất cập cũng chưa có giải pháp nào... Một chương trình đã thực hiện 10 năm mà không có một nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh, cơ bản nào để làm cơ sở khoa học cho đề án tiếp theo. Thực trạng mà dự thảo đề án đề cập chẳng qua là họ (nhóm tác giả - PV) tự nhận để có cớ làm cái mới”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo mà họ tiếp cận tuy đã là phiên bản 12 nhưng nội dung soạn thảo sơ sài, thể hiện rõ sự chuẩn bị thiếu kỹ lưỡng. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở động thái tung ra con số 70 nghìn tỷ đồng.
“70 nghìn tỷ đồng tương đương 3,5 tỷ USD. Để được đầu tư một khoản tiền khổng lồ như thế cần có một chồng hồ sơ dày cộp và phải thuyết trình trước Quốc hội chứ không chỉ nói khơi khơi trong hơn 30 trang bản thảo A4”, một học giả nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (cơ quan được lãnh đạo Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ chắp bút soạn thảo đề án) cho biết, dự thảo đề án vẫn trong quá trình nghiên cứu và xây dựng, chưa đến lúc thông báo với dư luận xã hội. Những việc Viện này đang tiến hành là xin ý kiến lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đồng thời trưng cầu ý kiến một vài đơn vị, địa phương, tổ chức. “Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo để tiếp tục xin ý kiến diện rộng hơn nữa, cuối cùng là đưa lên mạng của Bộ GD&ĐT xin ý kiến dư luận xã hội trước khi trình lên các cấp cao hơn”, vị lãnh đạo này nói. Về “quy trình ngược” mà một số học giả nêu ra, vị lãnh đạo này nói: “Có những điều chúng tôi chưa thể nói vào thời điểm này. Khi nào có điều kiện chúng tôi sẽ giải thích với dư luận xã hội”. |