Cách đây 3 năm, 2 người phải đi tù 6 tháng vì hôi bia khi xe chở bia bị lật ở Đồng Nai. Hồi đó xã hội dấy lên phong trào tự vấn về lòng tham và đạo đức. Nhưng những người dân ở Bình Định chắc ít đọc báo, vào mạng nên không hay biết.
Ở ngay Hà Nội, trụ sở Bộ Khoa học & Công nghệ hẳn hoi, mà người ta vẫn lao vào lấy hàng giả khi chúng chưa kịp bị tiêu hủy cơ mà. Có sự phối hợp tổ chức của Công an Hà Nội và sự chứng kiến của nhiều báo đài, công cuộc tiêu hủy vẫn hóa thành “tiêu thụ”.
Thực ra trước khi lên án những người nhanh tay, cũng phải thừa nhận bản năng “tiết kiệm” sẵn có trong mỗi người. Kiểu như chúng ta đang đủ ăn nhưng vẫn muốn tích trữ thức ăn phòng khi thiếu đói. Nhưng sở hữu trí tuệ cần được bảo vệ, pháp luật phải thượng tôn.
Ở Nhật Bản có cái biển đề “Stop trộm cắp- Lao động là vinh quang”- bằng tiếng Việt hẳn hoi. Có lẽ ở Việt Nam thay vì những băng-rôn, khẩu hiệu hô hào to tát nên có cả những biển báo nhắc: “Lấy đồ không phải của mình có nguy cơ vào tù”, hay “Hôi của cũng là tội phạm”… Nhưng nếu thế thì quá bỉ mặt cho nền giáo dục. Từ bé, trẻ con chả lẽ không được dạy rằng nhặt được của rơi phải trả lại, hoặc ít ra cũng nộp công an. Nếu không tuân thủ những điều đơn giản này, xã hội sẽ loạn. Sẽ dẫn đến vơ vét, tư túi, tham nhũng- lấy không phải vì thiếu đói mà vì có cơ hội để lấy.
Trong 5 giới luật của nhà Phật có cấm trộm cắp. Tức là đừng lấy cái gì không phải của mình. Chẳng hạn biết chai nước của người khác, nếu ta uống mà không xin phép, cũng coi như vi phạm. Quy định có vẻ hơi ngặt nghèo nhưng cũng phải thế mới rèn được bản năng liêm chính.