Băn khoăn mức dự chi giảng viên làm tiến sĩ trong nước

0:00 / 0:00
0:00
Một buổi lễ trao bằng tiến sĩ năm 2020 (ảnh chụp trước 27/4). ẢNH: DIỆP AN
Một buổi lễ trao bằng tiến sĩ năm 2020 (ảnh chụp trước 27/4). ẢNH: DIỆP AN
TP - Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Ðề án 89. Các ý kiến cho rằng mức hỗ trợ từ 13-20 triệu đồng/năm cho giảng viên học tiến sĩ theo diện Ðề án 89 để thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị... ở trong nước quá “bèo bọt”.

Chỉ có ý nghĩa tinh thần

Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89 (Đề án 89) bắt đầu được triển khai từ năm 2021. Theo Dự thảo, mức học phí tối đa được cấp cho giảng viên làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài là 25.000 USD/năm. Mức chi sinh hoạt phí cao nhất là 1.300 USD/tháng.

Theo thống kê của Bộ GD&ÐT, có hơn 1.200 giảng viên đăng ký đi học tiến sĩ theo Ðề án 89 trong năm 2021. Con số này là hơn 1.300 vào năm 2022. Tính đến năm 2019, Việt Nam có 73.312 giảng viên, trong đó, gần 21.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ (chiếm hơn 28%). Con số này tăng khoảng 30% năm 2020 và 31,1% vào năm 2021. Ở thời điểm hiện tại, có 4% cơ sở giáo dục đại học đạt tỷ lệ 75% giảng viên là tiến sĩ. Số cơ sở có tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ đạt 50 - 75% chiếm 9%. Hầu hết các trường đều có tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ đạt 10 - 50%. Số còn lại có dưới 10% giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Còn giảng viên làm tiến sĩ tập trung toàn thời gian trong nước được hỗ trợ học phí, kinh phí để đăng bài báo khoa học quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài và hỗ trợ thực hiện đề tài luận án.

Mức kinh phí hỗ trợ cho người học thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước, cho nhóm ngành y dược là 20 triệu đồng/người/năm; mức hỗ trợ cho giảng viên làm nghiên cứu sinh ở nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; nông, lâm, thủy sản, thể dục thể thao, nghệ thuật là 18 triệu đồng/người/năm; giảng viên làm tiến sĩ nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác được hỗ trợ 13 triệu đồng/người/năm. Mức hỗ trợ nói trên được áp dụng trong thời gian học tại cơ sở đào tạo (không quá 4 năm).

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trước Đề án 89, Bộ GD&ĐT đã triển khai đề án 911 để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên. So với Đề án 911, mức hỗ trợ của Đề án 89 có tăng lên nhưng mức tăng này chỉ đủ để bù trượt giá. PGS Trần Văn Tớp cho rằng với mức hỗ trợ từ 13 - 20 triệu đồng, nghiên cứu sinh có khi chỉ đủ nộp phí ghi danh một lần dự hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế hoặc mua được ít vật tư, hóa chất cho thí nghiệm. “Mức hỗ trợ như thế chỉ mang tính chất tượng trưng, có ý nghĩa động viên tinh thần là chính chứ không giúp được cho nghiên cứu sinh khi làm tiến sĩ”, PGS Trần Văn Tớp nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) tính toán với chi phí như hiện nay, một chuyến đi hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế ở nước ngoài ứng viên phải tốn ít nhất 100 triệu đồng. Còn nếu ở trong nước thì cũng phải tính là 10 triệu đồng/lần di chuyển. Như vậy, so với hỗ trợ cao nhất ở ngành Y là 20 triệu đồng thì ứng viên cũng chỉ đi dự hội thảo ở trong nước được 2 lần, còn những ngành khác chỉ được 1 lần. PGS Đỗ Văn Dũng khẳng định mức hỗ trợ như dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra không thực tế khi muốn hỗ trợ cho các nghiên cứu sinh.

Vừa khó cho trường, vừa khó cho ứng viên

Cũng theo PGS Đỗ Văn Dũng, hiện nay tuyển sinh sau đại học, nhất là ở bậc tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học đều gặp khó khăn. PGS Đỗ Văn Dũng cho hay hiện nay với những giảng viên trẻ của trường đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài sẽ được trường giữ nguyên lương hằng tháng, hỗ trợ tiền vé máy bay đi về. Còn kinh phí đào tạo, giảng viên xin học bổng hoặc tự túc. PGS Dũng cũng nêu thêm một khó khăn đối với các trường đó là giảng viên sau khi làm xong tiến sĩ sẵn sàng bồi hoàn kinh phí để được chuyển công tác. Điều này dẫn đến tình trạng các trường sẽ bị động về nhân lực và ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy, đào tạo trong thời gian dài để tìm người thay thế, bồi dưỡng đạt trình độ theo yêu cầu.

Ngoài ra, trong bối cảnh đang thúc đẩy nghiên cứu trong nước thì mức hỗ trợ như dự thảo của Bộ Tài chính liệu có thu hút được người học hay không? Bộ GD&ĐT cho biết trong năm 2020, đặt ra chỉ tiêu sẽ tuyển đủ 5.111 học viên cho trình độ đào tạo tiến sĩ, nhưng chỉ có 1.274 thí sinh trúng tuyển, chiếm tỷ lệ 24,9%.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.