Ngày 30/8, Ban Thư ký ASEAN tổ chức Lễ ra mắt Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN giai đoạn 2 “Tìm hiểu thanh niên ASEAN nghĩ gì về ASEAN: Nhận thức, Giá trị và Bản sắc”.
Lễ ra mắt Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN giai đoạn 2 diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Xuân Tùng |
Chương trình diễn ra theo hình thức trực tuyến. Theo Báo cáo Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN giai đoạn 2 từ nhóm chuyên gia, năm 2020, ASEAN đã hoàn thiện giai đoạn 2 của dự án xây dựng Chỉ số, với sự xuất hiện của lĩnh vực số 5 mang nhiều tính định tính hơn là định lượng: nhận thức, giá trị và bản sắc ASEAN trong thanh niên.
Một cuộc khảo sát rộng rãi đã được tiến hành, lấy ý kiến của hơn 2.000 sinh viên tại 10 cơ sở giáo dục đại học tại 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Kết quả, thanh niên ASEAN, về cơ bản có nhận thức về ASEAN, chia sẻ các giá trị của ASEAN, và suy nghĩ tích cực về Bản sắc ASEAN. Những vấn đề thu hút được nhiều mối quan tâm của thanh niên ASEAN là xóa đói giảm nghèo, sức khỏe và kiểm soát bệnh tật, du học thông qua các chương trình giao lưu trao đổi giáo dục.
Về ba trụ cột của khu vực, thanh niên ASEAN đặt ưu tiên cho trụ cột kinh tế, tiếp đến văn hóa xã hội, chính trị an ninh.
Anh Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tham dự chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Tăng cường nâng cao hiểu biết về ASEAN
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cho rằng, việc Chỉ số phát triển thanh niên ASEAN được hoàn thành với năm nội dung chính (Giáo dục; sức khỏe và phúc lợi; việc làm và cơ hội; sự tham gia của thanh niên; nhận thức, giá trị và bản sắc ASEAN) đã thể hiện đầy đủ sự nhất quán, đoàn kết của các cơ quan phụ trách thanh niên các quốc gia thành viên ASEAN trong việc phối hợp về chính sách thanh niên. Đồng thời, Chỉ số cũng thể hiện sự quyết tâm phát triển thanh niên ASEAN, cam kết xây dựng cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn.
Chỉ số phát triển thanh niên ASEAN giai đoạn 1 được ban hành với bốn tiêu chí đầu đã giúp các cơ quan phụ trách thanh niên ASEAN nói chung và thanh niên ASEAN nói riêng có sự tham chiếu, nghiên cứu, vận dụng phù hợp với điều kiện của thanh niên và từng quốc gia. Vấn đề này góp phần giúp thanh niên ASEAN cơ bản được trang bị các kiến thức, kỹ năng tương đồng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong thanh niên khu vực, từng bước giúp thanh niên tự tin hội nhập khu vực và thế giới.
Anh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
"Tôi tin tưởng, với chỉ số cuối cùng về nhận thức, giá trị và bản sắc ASEAN được ban hành tại giai đoạn 2 này, thanh niên ASEAN sẽ được tăng cường nâng cao hiểu biết về ASEAN, chính phủ các nước ASEAN sẽ có thêm khuyến nghị trong việc xây dựng các chính sách giúp thanh niên và người dân ASEAN gần nhau hơn, cùng nhau giải quyết những vấn đề chung, cấp bách của khu vực và thế giới", anh Tuấn bày tỏ.
Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, UBQG về thanh niên Việt Nam cam kết sẽ không ngừng nỗ lực để đóng góp vào việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch hoạt động thanh niên ASEAN giai đoạn 2021-2025 thông qua các chương trình hợp tác thanh niên ASEAN, ASEAN+ và các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về ASEAN cho thanh niên Việt Nam.
Trang bị kiến thức, kỹ năng thích ứng COVID-19
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động hợp tác thanh niên ASEAN thời gian tới, anh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Ban Thư ký ASEAN tăng cường hợp tác, hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn lực cho các cơ quan phụ trách công tác thanh niên của các nước ASEAN.
Anh Tuấn cũng đề nghị các cơ quan phụ trách công tác thanh niên của các nước ASEAN đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc tham vấn, xây dựng và kiến nghị các chính sách, chương trình, chiến lược nhằm khắc phục hạn chế, tạo môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của thanh niên.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động hợp tác thúc đẩy sự tiến bộ của các chỉ số phát triển thanh niên ASEAN. Tăng cường các hoạt động hợp tác trang bị kiến thức, kỹ năng cho thanh niên và các tổ chức thanh niên ASEAN trong việc phòng chống, thích ứng với đại dịch COVID-19.
Anh Nguyễn Anh Tuấn đã có ba đề xuất để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động hợp tác thanh niên ASEAN thời gian tới. Ảnh: Xuân Tùng |
Hiện có hơn 223 triệu thanh niên ở độ tuổi từ 15-35 hiện đang sinh sống tại 10 quốc gia thành viên ASEAN, đóng góp một phần ba dân số cho tổng dân số 654 triệu người của khu vực.
Thanh niên ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ. Nếu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang đến thách thức phải học hỏi và rèn luyện bản thân, nhằm tận dụng và làm chủ những công nghệ chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại; thì đại dịch COVID-19 lại mang đến động lực sáng tạo và quyết tâm thay đổi, từ hiện thực tàn khốc mà dịch bệnh đã tạo ra.