Ông Hoàng Đăng Quang tặng chăn ấm cho một hộ gia đình vừa được bàn giao nhà mới
Cơn bão số 10 vào tháng 10/2017 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Bình. Sau khi đọc báo Tiền Phong, biết được hai tộc người thiểu số A Rem (xã Tân Trạch) và Ma Coong (xã Thượng Trạch), huyện Bố Trạch đang gặp rất nhiều khó khăn sau bão, nhiều người dân đòi trở lại hang đá sinh sống, ông Hoàng Đăng Quang đã lên thăm hỏi, động viên bà con.
Chứng kiến cảnh người dân bị mất nhà cửa sau bão, ông Hoàng Đăng Quang Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình và Ban cứu trợ của tỉnh Quảng Bình tìm phương án dựng lại nhà kiên cố cho đồng bào.
Qua hơn 6 tháng thi công, 37 ngôi nhà đã hoàn thành và được bàn giao cho bà con đưa vào sử dụng. Mỗi căn nhà trị giá 84,5 triệu đồng, tổng trị giá 37 ngôi nhà là 3.126,5 triệu đồng được trích từ Quỹ cứu trợ của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình.
Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình chia sẻ niềm vui với đồng bào dân tộc thiểu số hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch. Đồng thời ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Uỷ ban MTTQVN tỉnh, huyện Bố Trạch, cấp uỷ, chính quyền hai xã và các đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng và hoàn thành 37 ngôi nhà đúng tiến độ.
Lãnh đạo các ban ngành Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm trước một ngôi nhà mới của đồng bào
Trong dịp này, Uỷ ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình và Ban vận động Quỹ vì người nghèo tỉnh Quảng Bình đã trích kinh phí từ Quỹ an sinh xã hội và Quỹ vì người nghèo tặng 2 máy chiếu, mỗi máy trị giá 20 triệu đồng cho Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Tân Trạch và Trường phổ thông dân tộc nội trú xã Thượng Trạch; trao 20 xe đạp, mỗi xe trị giá 1,5 triệu đồng cho 20 em học sinh nghèo tại hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch.
Được biết, tộc người A Rem trước đây sống hoang dã giữa rừng núi Phong Nha - Kẻ Bàng. Năm 1956, tộc người này đươc bộ đội Biên phòng phát hiện và đưa về định cư ở Km39, đường 20 - Quyết Thắng. Mặc dù được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, nhưng A Rem vẫn chậm phát triển so với các tộc người thiểu số khác. Chỉ cần có một biến cố trong đời sống như thiên tai, dịch bệnh là họ lại kéo nhau vào hang đá sinh sống.