Trước đó, trên Báo Tài nguyên và Môi trường, cơ quan ngôn luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường có thông tin “Từ tháng 7/2018 đến nay, Đoàn thanh tra đã nhiều lần tổ chức khảo sát đột xuất (không kể ngày, đêm) tại các cống xả thải từ Bãi rác Xuân Sơn xả ra ngoài môi trường; tuy nhiên hoạt động xả thải của Urenco 6 hết sức tinh vi, thường xuyên thay đổi chu kỳ, phương thức xả thải, đồng thời luôn phân công cán bộ canh gác tại các điểm trọng yếu để giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng khi muốn tiếp cận gần khu vực bãi rác”.
Trả lời báo chí, ông Vũ Cường, Phó Tổng giám đốc URENCO nói, sau khi URENCO 6 báo cáo lại toàn bộ sự việc, công ty nhận định đây là lỗi về điều hành của Ban lãnh đạo URENCO 6 và kíp trực hôm đó gồm 9 người, đặc biệt là trách nhiệm của đồng chí Phó giám đốc trực tiếp điều hành ca trực, chưa có kinh nghiệm trong xử lý mưa tách nước rỉ rác. Ông Cường nói thêm, trong quy trình của công ty đều có kế hoạch vận hành bãi, xử lý tình huống nhưng đội ngũ vận hành chủ quan do lượng mưa không cao (gần 70 mm). Đại diện URENCO khẳng định đây là sự cố ngoài ý muốn chứ không phải là hành vi cố ý và cho biết thêm, đây là lần đầu để xảy ra sự cố.
Về phương án xử lý, URENCO thông tin, sáng 26/10 đã phê bình Ban lãnh đạo URENCO 6 chưa có giải pháp ứng phó đồng thờitạm đình chỉ hoạt động điều hành của ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc chi nhánh URENCO 6 và ông Trần Kim Tấn, Phó Giám đốc URENCO 6, trưởng ca trực đêm 23/10. Thời gian đình chỉ là một tháng để làm rõ và rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, vận hành bãi rác.
Phản hồi về việc URENCO nói đây có phải là sự cố ngoài ý muốn, một nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường đang xử lý vụ việc, sau khi có kết luận thanh tra sẽ chính thức thông tin với báo chí.
Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Quân - cán bộ xã phối hợp từ 23h đêm cùng với đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường, phát hiện nước thải đang chảy ra cùng hệ thống nước mặt. Trong khi bình thường phải bơm qua hệ thống ao, qua nhà máy xử lý rồi mới được đưa ra môi trường. Ông Quân cho rằng, rất khó để xác định đây là sự cố hay cố tình xả thải ra môi trường.
Xả thải trái phép có thể bị xử lý hình sự
Theo ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hành vi xả thải trái phép ra môi trường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 155 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, cũng có thể xử lý theo Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2017.
Ông Tùng cho biết, căn cứ xử lý sẽ dựa vào hai yếu tố quan trọng là lưu lượng xả và nồng độ chất ô nhiễm. Trường hợp xả thải ra môi trường từ 500 mét khối trên ngày đến dưới 5.000 mét khối trên ngày, nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc xả thải từ 300 mét khối trên ngày đến dưới 500 mét khối trên ngày, nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Xử lý nước rỉ rác rất tốn kém
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc đơn giá thành phố Hà Nội phê duyệt có đáp ứng được yêu cầu xử lý nước rỉ rác đạt chuẩn không? Ông Vũ Cường cho biết, công ty lỗ khi áp dụng đơn giá này đồng thời đang đề xuất với Sở Xây dựng Hà Nội nâng đơn giá xử lý nước rỉ rác từ 82.000 đồng lên 132.000 đồng/m3. Theo một chuyên gia về môi trường, việc xử lý nước rỉ rác khá phức tạp và rất tốn kém do nồng độ ô nhiễm cao, thành phần ô nhiễm phức tạp, việc xử lý đòi hỏi đáp ứng đúng yêu cầu và quy chuẩn là không đơn giản.