Ông Phạm Chắt |
Ông Chắt có sáu người con. Hai cô con gái lấy chồng xa, ly hương, chẳng mấy khi đỡ đần được cho cha. Chị Phạm Thị Ngân (con cả) lập gia đình tại xã Cương Gián.
Chồng chị Ngân bệnh nặng, qua đời, để lại cảnh vợ góa con côi. Phạm Văn Sơn (SN 1973), con trai duy nhất của ông Chắt, bị thần kinh, tính tình thất thường, năm 1997, Sơn treo cổ tự vẫn. Gia đình tan tác mỗi người một nơi.
Cơn đói ập đến. Vợ ông Chắt, bà Đặng Thị Sâm không còn đủ sức chạy chợ kiếm gạo nuôi chồng con, phải rời quê đi ở cho một người quen ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 2009, bà Sâm đổ bệnh, nhưng không dám về Cương Gián vì sợ không có cái ăn. Bà đành ở lại Lâm Đồng, sống lay lắt.
Ông Phạm Chắt khi còn khỏe ngày ngày vác cuốc đi quanh làng đào gốc cây, chẻ nhỏ, phơi khô mang ra chợ đổi gạo. Do phải lao động nặng nhọc trong nhiều năm liền, sức khỏe ông suy kiệt, bệnh tật hành hạ, khiến ông không cầm nổi chiếc cuốc.
“Giờ, ông Chắt cầm bát cơm cũng run, nói chi đến việc cầm cuốc bổ củi!”, bác Hiển, hàng xóm cho biết. Không kiếm được củi mang ra chợ đổi gạo, ông Chắt lâm vào cảnh đói triền miên. Có hôm nhà hết cái ăn, ông Chắt phải ăn rau trừ bữa.
Ông Phạm Chắt là thân nhân của liệt sỹ Phạm Hồng Huệ (SN 1946), Phạm Hồng Thái (SN 1949), cả hai đều hy sinh tại chiến trường Quảng Trị đầu những năm 70. Ông Chắt từng đi bộ đội.
“Gia đình chính sách này chẳng được hưởng một chế độ trợ cấp nào. Hằng tháng, chòm xóm láng giềng phải góp tiền, mua gạo hỗ trợ ông!”, một người dân thôn Đông Tây kể. Ngày lễ, tết, chính quyền xã cử cán bộ đến thăm, tặng quà, nhưng chủ yếu chỉ động viên ông về mặt tinh thần.
Ông Chắt đang từng ngày đối mặt với cơn đói, khẩn thiết cần sự chi sẻ của cộng đồng.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: ông Phạm Chắt, thôn Đông Tây, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; hoặc Ban Bạn đọc báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. |