“Con ngựa” sinh giờ…xấu
Bên ly rượu đế và miếng cá kho mặn chuyền tay, ông chậm rãi kể chuyện đời mình trong ánh mắt xa xăm, như đang lần giở từng trang của cuộc đời mình từ thuở “cha sanh mẹ đẻ”.
Ông nói, mình tuổi con ngựa (sinh năm 1966), nhưng sinh lúc 5 giờ sáng, giờ “con ngựa bắt đầu đi kéo xe, đi cày suốt ngày nặng nhọc”, dự báo một cuộc đời không suôn sẻ. Ông bươn chải lúc bé, bỏ học lớp 5, từ đó ông theo cha mẹ lênh đênh trên chiếc ghe, ngang dọc trên sông Sài Gòn mưu sinh bằng nghề chài cá, có khi còn ra đến sông Lòng Tàu, cửa Cần Giờ, rạch Thiềng Liềng rồi ra đến tận Vũng Tàu để bủa lưới, giăng câu. Cuộc sống lênh đênh ngày đêm theo con nước lớn, ròng của sông Sài Gòn để rồi ông bén duyên cùng với vợ ông bây giờ lúc Năm Hơn vừa 16 tuổi.
Vợ ông khi ấy cũng là một cô bé bó phận mình trên chiếc ghe của gia đình với nghề giăng câu, đánh lưới trên sông Sài Gòn. Lấy vợ rồi, tưởng chừng ông đổi đời với nghề… bốc vác. Lúc đó, ông xin vào được làm công nhân ở một HTX bốc xếp, chuyên bốc dỡ hàng từ kho của các cảng dọc sông Sài Gòn lên ghe, tàu và ngược lại. “Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, cái nghề đổi sức lực và mồ hôi lấy miếng cơm ở tuổi thanh niên cũng có chút dành dụm cho cái gia đình nhỏ của mình.
Ông tên Hơn, đặt tên con trai là Lê Văn Cảnh với ước vọng cái “cảnh” của nó sau này sẽ sáng sủa “hơn” mình. Giọng buồn đều đều, ông Hơn hồi tưởng: “Nhưng thằng Cảnh mới hơn 10 thì HTX bốc xếp bị giải thể, thế là tui chuyển qua nghề cạo gỉ sắt cho các xưởng sửa chữa tàu đóng dọc bến Bạch Đằng, Thủ Thiêm và Ba Son”. Ông nhớ, hồi đó, dọc theo con đường Lương Định Của chạy xuyên phường An Lợi Đông là những xóm cạo gỉ với hàng ngàn công nhân. Cứ sáng sáng là đàn ông, thanh niên đi sạch, cả xóm chỉ còn toàn đàn bà, con nít, mấy ông bà già, chiều tối về mới ồn ào, đông vui. Rồi nghề cạo gỉ cũng lụi tàn vì các xưởng sửa chữa ghe, tàu phải di dời đi chỗ khác. Cuộc sống lại long đong chỗ này chỗ khác theo làm công nhân các công trình xây dựng.
Ông Hơn nói, nghề thì gặp đâu làm đó, nhưng gia đình ông lần lượt lại có thêm đứa con trai, rồi con gái nữa, gia cảnh càng thêm chật vật, cuộc sống ngày càng khốn khó hơn. Miếng đất ông cất nhà được cha, ông để lại nhưng miếng ăn hàng ngày cho gia đình là cả một bài toán… cộng, mà ông không có lời giải. “Cày ngày, cày đêm” từ thiếu thời, lần hồi sức lực của ông cùng gánh nặng của tuổi tác, của gia đình cũng đánh quỵ “sức trâu” ông ngày nào. Ông đành trở về với sông nước, với cái nghề truyền thống của gia đình.
“Ngư dân” cuối cùng ở Thủ Thiêm
Khi chúng tôi đến tìm vợ ông Hơn cho biết ông đang giăng lưới ở khúc sông gần nhà. Ra đến nơi, chúng tôi mới biết đây là khúc sông ken đặc những lục bình và là một bãi rác khổng lồ, nồng nặc mùi hôi thối giữa buổi trưa tháng hai nóng đến phỏng da. Ông không giăng lưới một mình mà cùng Cảnh, đứa con trai đầu của ông, bây giờ là “thợ đụng” (đụng đâu làm đấy). Hai cha con lóp ngóp lội dưới con mương nước đến ngực. Với cái cười “sường sượng”, ông Năm Hơn cho biết, con trai ông bây giờ cũng “nối nghiệp” của mình, theo phụ ba đi giăng lưới ở khúc sông này.
Ông bộc bạch: “Sau khi bỏ nghề trên bờ, tui gom góp mua một chiếc ghe nhỏ để làm nghề cắm câu, giăng lưới ở khu Thủ Thiêm, Cây Bàng... Đó là vào khoảng cuối những năm 90”. Khi ấy, cái xóm Thủ Thiêm, Cây Bàng này cũng nhiều người sắm ghe. Lớp thì làm nghề chèo ghe đưa khách qua lại giữa hai bờ Thủ Thiêm, bến Bạch Đằng. Lớp thì chèo ghe bán hột vịt lộn, khô cá, khô mực cho tàu ghe qua lại ở đây. Lớp thì chở “gái nhảy tàu” (gái mại dâm) đến các tàu viễn dương neo đậu dọc các cảng. Nhiều người sắm ghe chỉ chuyên đi hớt dầu (hớt váng dầu cặn do các tàu neo đậu xả ra sông, rồi lọc để bán cho các xe tải) để mưu sinh. Còn ông chỉ cun cút một mình với cái nghề cắm câu, giăng lưới để kiếm cơm.
Kể đến đây mắt ông Năm Hơn vụt sáng, nói liền một hơi: “Thời đó, cá tôm ở sông Sài Gòn nhiều lắm mấy ông ơi. Tui giăng một tay lưới hơn 100m ở Tân Thuận, Nhà Bè mỗi đêm được 3-4 ký tôm, mà tôm càng xanh không hà. Còn giăng câu ngâm qua đêm một tay 200-300 lưỡi cũng được hơn chục ký cá ngát. Buổi sáng sau khi đi gỡ câu, gỡ lưới đem cá, tôm về cho vợ đi bán thì tui đi mò trùn chỉ. Với một cái chậu thả theo từng bước chân mình, tui mò dọc theo bờ Thủ Thiêm, bến Bạch Đằng vài tiếng cũng được cả mấy ký trùn chỉ. Loại trùn này, mò được cả nùi đem rửa sạch rồi cân ký bán cho các nơi nuôi cá kiểng. Mỗi ký cả chục ngàn. Trời mưa thì đi chỉa ếch, nhái. Kiếm ăn khá lắm”.
Đời sống của gia đình ông Hơn có khá hơn nhưng mấy đứa con thì bỏ học hết để kiếm tiền “chống” lại cái nghèo.
Vĩ thanh
Sức khỏe của ngư dân cuối cùng ở bến Cây Bàng rồi cũng kiệt, cộng với tuổi cao và bệnh tật. Cá tôm, ếch nhái của sông Sài Gòn theo năm tháng cũng cạn kiệt dần vì bây giờ ô nhiễm quá, “hiếm con gì sống nổi”. Cách đây 3 năm, chiếc ghe “kiếm cơm” của gia đình ông bị trộm mất, đến giờ cũng không có tiền sắm lại. Rồi ông Hơn lại bị gai 5 đốt cột sống không làm gì nặng được lại không có tiền thuốc thang. Rồi miếng đất nhà ông lại nằm ngay trong vùng lõi của khu đô thị mới Thủ Thiêm, phải giải tỏa trắng để xây nhà hát. Đủ thứ chuyện dồn dập khiến ông cùng con trai bây giờ chỉ lần mò giăng lưới ở loanh quanh bờ Thủ Thiêm kiếm mớ cá để qua ngày đoạn tháng.
Bữa đực, bữa cái như con cò, con cuốc đi mót cá ở ven bờ, không đi xa được vì không có ghe. Đến bây giờ, khúc sông Sài Gòn mé Thủ Thiêm, Cây Bàng và cả cái phường An Lợi Đông chỉ còn mỗi hai cha con ông Hơn là còn lay lắt kiếm sống với cái nghề giăng lưới, chài cá, chỉa ếch…
Ngồi với chúng tôi nhìn ra bờ sông chóa nắng, ông Hơn đăm chiêu: “Giờ, tui chỉ biết… chờ. Chờ có cái giá đền bù thỏa đáng để vợ chồng tui, con cái cùng mấy đứa cháu có nơi ở khá hơn, có điều kiện cho tụi nó ăn học. Bởi qua trường đoạn cuộc đời cay cực, ông quá sợ cái nghèo đeo bám.