Hiệu trưởng Đại học Đông đô từng phủ nhận đào tạo trái phép ra sao?

Ông Dương Văn Hòa.
Ông Dương Văn Hòa.
TPO - Trước khi lãnh đạo Đại học Đông Đô bị bắt hơn 1 tháng, trong văn bản trả lời báo Tiền Phong, TS. Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô từng khẳng định, nhà trường được phép đào tạo văn bằng 2, ngành ngôn ngữ Anh.

Như Tiền Phong đưa tin, ngày 2/8, Bộ Công an công bố, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối 4 người là lãnh đạo, cán bộ Đại học Đông Đô. Trong đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với Dương Văn Hòa (SN 1983) - Hiệu trưởng Đại học Đông Đô và Trần Ngọc Quang (SN 1962) - Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường Đại học Đông Đô.

Ông Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng, cùng các lãnh đạo Đại học Đông Đô bị khởi tố do liên quan đến việc đào tạo không phép, giả mạo hồ sơ học tập, thi cử cho các học viên học văn bằng 2 tiếng Anh hệ chính quy của trường Đông Đô.

Hiệu trưởng Đại học Đông đô từng phủ nhận đào tạo trái phép ra sao? ảnh 1 Một trong những văn bằng 2 tiếng Anh hệ chính quy được Đại học Đông Đô cấp sai quy định. Ảnh Đức Anh

Trước khi Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hòa và những người có liên quan, nguồn tin của Tiền Phong phản ánh hiện tượng này.  Phóng viên Tiền Phong đã đề nghị lãnh đạo Đại học Đông Đô cung cấp thông tin.

Ngày 26/6/2019, Báo Tiền Phong nhận được văn bản trả lời của Trường Đại học Đông Đô. Theo đó, lãnh đạo Trường này khẳng định được cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. “Trường Đại học Đông Đô được thành lập theo Quyết định số 534/TTG ngày 3/10/1995 và được phép đào tạo Ngành ngôn ngữ Anh theo Quyết định số 1403/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/1995.

Theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo để cấp bằng tố nghiệp đại học thứ 2. Từ năm 2015 đến nay, Trường đại học Đông Độ được Bộ GD&ĐT cho chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh (có kèm theo thông báo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, 2016, 2017 của Bộ GD&ĐT) và nhà trường đào tạo theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001”, văn bản do chính ông Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô ký, nêu.

Theo tài liệu trường Đại Đông Đô cung cấp, ngày 1/4/2015 văn bản do Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Văn Áng ký gửi nhà trường thông báo chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy được giao là 500 chỉ tiêu. Tháng 2/2016, cũng bằng văn bản do Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký, trường ĐH Đông Đô được tuyển 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Tháng 3/2017, văn bản do Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài Chính Trần Tú Khánh ký thông báo xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh giao cho trường ĐH Đông Đô là 150.

Quá trình làm việc với phóng viên, đại diện trường ĐH Đông Đô luôn khẳng định nhà trường được phép tuyển sinh văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.

Tuy nhiên, khi đề nghị cung cấp một số tài liệu cụ thể hơn như: Các quyết định cụ thể của cơ quan chức năng thể hiện đại học Đông đô được đào tạo đúng mã ngành văn bằng 2 tiếng Anh hệ chính quy, danh sách, số lượng sinh viên được tuyển, sinh viên tốt nghiệp hệ văn bằng 2 chính quy ngành ngôn ngữ Anh từ năm 2016 đến nay, danh sách học viên thi đầu vào, kết quả thi đầu vào, quyết định trúng tuyển, quyết định nhập học, danh sách lớp, thông báo xét tốt nghiệp, danh sách sinh viên được xét tốt nghiệp… đều bị từ chối.

Về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, quá trình tìm hiểu, phóng viên cũng nhiều lần liên hệ với Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng và gửi nội dung cụ thể. Tuy nhiên, đến ngày 31/7 khi liên hệ trực tiếp, bà Phụng nói “vụ việc đang được điều tra nên chưa trả lời”.

Trong khí đó, nguyên Hiệu trưởng Phạm Đình Phùng (nghỉ hưu tháng 6/2017) khẳng định: Năm 2015, 2016 khi còn làm Hiệu trưởng, nhà trường không tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh vì chưa được phép đào tạo.

Nói về trách nhiệm quản lý, ông Nguyễn Thanh Tĩnh, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô (cùng thời điểm với ông Phùng) đặt câu hỏi: “Tại sao lại diễn ra một thời gian dài mà mọi người không biết?” và đề nghị: “Cần xử lý rốt ráo, triệt để câu chuyện vì sao để xảy ra chuyện này”.

MỚI - NÓNG
Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau mới vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, sau 4 năm mới san lấp mặt bằng, xây hàng rào, đường nội bộ Ảnh: Tân Lộc
Bài 17: Bệnh viện hơn 3.300 tỷ đồng 'bất động'
TP - Sau 4 năm, Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng thay vì đưa vào sử dụng như mục tiêu khi được duyệt, nay vẫn chưa thể khởi công. Tháng 7 vừa qua, chủ đầu tư chọn được nhà thầu nhưng phải hủy vì phát hiện sai sót.