Bị chồng bỏ rơi năm lần bảy lượt, phải vò võ nuôi con một mình nhưng cứ thấy chồng về với mình là bà Hoa lại chấp nhận ngay như một lẽ đương nhiên. Lạ đến mức, người chồng đã có vợ khác, có con riêng, thậm chí mới đây nhất còn cặp với bồ trẻ bằng tuổi con mình… nhưng bà Hoa vẫn xem như không có chuyện gì. Bà vẫn coi ông là chồng. Chồng bảo xẻ nhà ra mà bán, mà đưa tiền cho ông sống với bồ… bà cũng nghe theo.
Người đàn ông “cả thèm chóng chán”
Vợ chồng họ lấy nhau ở quê nhà. Bà Hoa làm ăn sinh sống ở quê còn chồng lại làm việc trong miền Nam. Cưới nhau xong ông Tân trở lại miền Nam làm việc. Bà Hoa ở nhà mang thai, sinh con và chăm nuôi con một mình trong cảnh chồng công tác xa nhà. Khi con được 1 tuổi thì ông Tân mới về thăm. Chồng người ta đi xa làm ăn, lâu ngày mới về thăm vợ con đáng lẽ ra tình cảm bao ngày xa cách nhớ nhung sẽ trở nên mặn nồng. Thế nhưng, vợ chồng ông Tân lại không như vậy. Chẳng hiểu vì lý do gì sau một năm biền biệt làm ăn trở về, vợ chồng ông Tân đã dắt tay nhau ra tòa để ly hôn.
Mãi sau bà Hoa mới biết lý do ông Tân muốn ly hôn mình vì ông đã chung sống với một người phụ nữ khác ở trong miền Nam. Họ đã có con, xấp xỉ tuổi đứa con của bà. Để ly hôn được vợ, ông Tân cố tình gây sự với bà Hoa, đổ cho bà Hoa ở nhà tằng tịu với người này người khác. Cuối cùng bà Hoa phải chấp nhận chia tay ông Tân trong oan ức và cay đắng không thể nói nên lời.
Ông Tân sau khi ly dị với bà Hoa thì quay trở lại miền Nam sinh sống với bồ, hợp pháp hóa hôn nhân và có thêm một đứa con nữa. Còn bà Hoa thì vẫn phòng không đơn chiếc, sống độc thân, một mẹ một con rau cháo có nhau.
Những tưởng chuyện vợ chồng bà Hoa – ông Tân như thế là dứt điểm, ông có hạnh phúc mới, bà ở vậy nuôi con. Thế nhưng 15 năm sau, khi cảm thấy đã chán ngán cuộc sống chung với người vợ mới và hai con riêng, ông Tân lại quay về quê Thanh Hóa để hàn gắn lại với bà Hoa. Lạ lùng là bà Hoa cứ thế chấp nhận hàn gắn một cách vô điều kiện, không phản ứng, không yêu cầu hay đòi hỏi điều gì.
Ở lại quê được 2 năm, vừa kịp có thêm với bà Hoa một đứa con nữa thì ông Tân lại thấy chán. Một lần nữa, ông Tân bỏ lại vợ con cho bà Hoa tự rau cháo nuôi nhau, ông quay trở lại miền Nam. Nhưng lần quay trở lại này của ông Tân không được suôn sẻ. Người vợ thứ hai của ông Tân không chấp nhận cho ông quay về chung sống. Ông Tân cũng không muốn về quê nên đã ở lại miền Nam. Sau một thời gian “quậy” đủ kiểu nhưng bà hai vẫn không chấp nhận nên ông Tân đã cặp kè với một cô gái trẻ bằng tuổi con mình.
Mặc dù có nghề trong tay, biết kinh doanh buôn bán nhưng sau một thời gian cặp với gái trẻ, ông Tân trở nên kiệt quệ. Trong tình cảnh đó, ông lại tìm về với bà Hoa.
Cứ sóng gió là tìm về với vợ cả
Về với bà Hoa, ông Tân vừa ngon ngọt, vừa dọa dẫm: “Giờ tôi đang nợ như thế, không có tiền chỉ có nước chết. Tôi cần 150 triệu đồng để trả nợ cho người ta thì mới tiếp tục làm ăn được”. Nói rồi ông Tân bảo bà Hoa thế chấp sổ đỏ ngôi nhà bà đang ở để vay tiền ngân hàng cho ông. Bà Hoa nghe ông Tân bảo thế chấp nhà, trong lòng bà hoang mang lắm. Ông Tân dù là chồng và bố của hai đứa con bà nhưng từ trước đến nay, dường như bà vẫn phải một mình nuôi con. Bà mang tiếng là có chồng nhưng cũng như không. Hai đứa con của bà mang tiếng có bố nhưng cũng như hai đứa trẻ mồ côi vậy. Giờ mà thế chấp nhà đưa tiền cho chồng, nhỡ ông ấy làm ăn mà mất hết thì mẹ con bà chỉ còn nước ra đường ở.
Lo như vậy nhưng bà Hoa vẫn không dám thẳng thừng và nhất quyết từ chối. Bà chỉ loanh quanh bảo rằng, “thế chấp nhà, nhỡ mất thì sao”…Trong khi bà đang loanh quanh nghĩ cách đối phó với ông Tân thì ông Tân quay vào Nam. Bà Hoa như trút được gánh nặng. Bà tưởng ông Tân đã “buông tha” cho mẹ con bà. Thế nhưng vào Nam được mấy ngày ông Tân lại gọi điện về cho bà.
Lần này ông Tân không bảo bà Hoa thế chấp nhà mà là cắt đất, cắt vườn ra mà bán. Ông Tân bảo bà Hoa cắt đi hai phần vườn, còn để lại một túp lều nho nhỏ cho ba mẹ con bà ở. Nghe ông Tân nói mà bà Hoa choáng váng. Ngôi nhà và mảnh đất mà mấy mẹ con bà Hoa đang ở không phải là đất của bố mẹ chồng, mà là đất của bố mẹ đẻ bà Hoa cho bà làm của hồi môn của bà. Thế mà ông Tân cứ nói như là của ông ấy.
Thấy chồng vô lý như thế nhưng bà Hoa chỉ biết kêu là không được thế này, không được thế kia nhưng rồi trước sức ép của ông Tân, cuối cùng bà Hoa cũng đã làm theo lời chồng.
Thấy bà Hoa cắt đất bán để đưa tiền cho ông Tân, bà con chòm xóm biết chuyện phản đối bà Hoa kịch liệt. Mặc dù không phải là chuyện nhà mình, nhưng vì thương bà Hoa một mình hai đứa con, chồng lại vợ nọ con kia nên dân làng ai ai cũng muốn làm một việc gì đó để ngăn bà Hoa lại. Nhưng can ngăn thế nào cũng không được vì thực chất bà Hoa đã bị ông Tân xỏ mũi mất rồi.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Yến Nhi, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (Trung ương Đoàn TNCSHCM) cho rằng, thực chất kiểu vợ như bà Hoa khá phổ biến, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Đó là tuýp phụ nữ nhu nhược, bị chồng xỏ mũi. Những người phụ nữ này nếu gặp được người chồng tốt thì ổn. Nhưng nếu chẳng may gặp phải người chồng tệ bạc, vô trách nhiệm thì coi như khổ cả đời. Vì quá sợ chồng thành ra họ nhu nhược. Chồng dắt đi đâu là họ đi đó, bảo làm gì là làm theo như một cái máy mà không có lập trường, chính kiến và sự cương quyết của mình.
Theo từ điển tiếng Việt thì nhu nhược là yếu đuối, thiếu cương quyết, không dám có những phản ứng khi cần thiết. Từ trước đến nay mọi người chỉ nói nhiều đến đàn ông nhu nhược mà không hề đề cập đến phụ nữ nhu nhược. Thực chất kiểu phụ nữ như bà Hoa là kiểu người nhu nhược. Đàn ông nhu nhược bị cho là hèn. Còn phụ nữ nhu nhược đôi khi còn được khen là ngoan, là hiền. Bi kịch ở chỗ đó.