Chiều thu năm 1965, ngài Đại sứ Đặc mệnh CHDCND Triều Tiên tại Hà Nội Ma Dong San chĩnh chiện cùng phu nhân có mặt tại sân ga Hàng Cỏ với bó hoa trên tay. Họ đến hơi sớm. Chuyến tàu liên vận chở đoàn lưu học sinh Việt Nam sang Bình Nhưỡng học tập còn non tiếng nữa mới xuất phát. Một biệt lệ ấm áp khi ấy là ngài Đại sứ thân ra tận ga tiễn đoàn…
Năm tháng mây bay nước chảy. Sáng thu ấy trên chiếc ca nô du lịch bồng bềnh trên lòng hồ trong veo sông Đà, tôi đang được ngồi bên ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDCND Triều Tiên Ma Chol Su. Ngài chính là con trai của vị Đại sứ năm xưa ra ga Hàng Cỏ tiễn đoàn lưu học sinh của Trần Thọ Chữ!
Tối muộn bữa qua, anh hùng Trần Thọ Chữ vắn tắt trong điện thoại như mệnh lệnh chắc khừ sáng mai đi lòng hồ với tao…
Vốn đã thuộc tính cùng quen với thân gần này khác, tôi nghiêm túc chấp hành. Sau mới biết, anh Chữ cho ké cuộc du ngoạn lòng hồ với ngài Đại sứ Triều Tiên cùng hai tùy tùng nữa. Việc anh Thân gần với ngài Đại sứ con này là cả một câu chuyện dài. Khất bạn đọc dịp khác vậy.
Là một trong những người từng chịu trách nhiệm chính tại các công trình trọng điểm của đất nước như công trình thủy điện Sông Đà, thủy điện Ialy, khi đã nghỉ hưu Anh hùng lao động Trần Thọ Chữ vẫn được tin tưởng gánh chức Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Triều kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ hữu nghị Việt Triều. Mới đây, năm 2009, ông là Trưởng Đoàn phụ trách chuyến thăm Triều Tiên của CLB Việt Triều.
Ngài Đại sứ vốn đã thạo tiếng Việt lại thông kim bác cổ. Được anh Chữ cho phép, câu chuyện cứ nối dài bởi ngài Đại sứ có cung cách cởi mở và mặn chuyện. Và đáng nể trí nhớ của ông. Đại sứ vanh vách năm nào thì sứ thần Đại Việt, những Phùng Khắc Khoan họa thơ với sứ thần Triều Tiên Lý Túy Quang, cuộc gặp xướng họa thơ văn giữa nhà bác học Lê Quý Đôn với sứ thần Triều Tiên Hồng Khải Hy khi đi sứ gặp nhau ở Bắc Kinh như thế nào? Anh Chữ lừ mắt khi thấy tôi có lúc sa đà tọc mạch cái đoạn sinh hoạt ở thủ đô Bình Nhưỡng. Nhưng vị đại sứ chừng như thoáng bắt gặp được động viên tôi thì nhà báo cứ đi đến Bình Nhưỡng một chuyến xem sao… Rõ là dân ngoại giao. Giờ ngồi gõ lại những dòng này bao năm đã qua đi. Và cái mong ước được đi Bình Nhưỡng để hành nghề ấy có lẽ chỉ là vô vọng cùng thăm thẳm?.
Cuối buổi đi đã trưa trật. Anh Chữ kéo cả đoàn vào một cái quán ở thị xã Hòa Bình. Tưởng anh sẽ hỏi ý kiến và lựa món cho khách. Nhưng anh cười mình ăn gì họ ăn nấy… Ăn nấy là tuyền thứ thuần Việt. Có món cá sông Đà nấu canh chua, chân giò luộc… Anh Chữ chỉ tay sang bên sông Đà nơi có nhà máy thủy điện cười, mười năm can dự với công trình hiếm khi được ngồi thế này. Chỉ một cái bát tô cơm lấy thìa mà vục… Ngài đại sứ cũng cười, thân thiết đặt tay lên vai anh Chữ.
Sau chuyến du ngoạn ấy lâu lâu, tôi được anh Chữ cho ké chuyến đi về Đan Phượng đến một xã mang tên HTX hữu nghị Việt Triều. Anh Chữ đến đón ông Phạm Tất Dong khi đó là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Triều. Vị tiến sĩ này tôi có quen vì ông vốn trước đây là CTV của Tiền Phong nhiều năm. Hóa ra hai ông tháp tùng ông Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Triều Tiên ở Hà Nội về Đan Phượng. Khởi đầu cuộc thăm là cuộc gặp mặt thân mật giữa ông Đại sứ và ban lãnh đạo xã. Tôi cũng quên bẵng không kịp hỏi tên vị sứ thần Triều Tiên. Một anh cán bộ xã còn rất trẻ được giới thiệu là cháu họ xa của đồng chí Thân (Đồng chí Thân những năm xa ấy là chủ nhiệm HTX Việt Triều, từng được mời sang Bình Nhưỡng tham quan. Xã còn giữ được những tấm hình của lần tham quan ấy) bất ngờ trưng ra một tấm thiếp, chắc trước đây là màu trắng nay đã ố vàng nhưng chữ còn đọc rõ.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Triều Tiên tại Việt Nam dân chủ cộng hòa Kim Byang Sam kính mời đồng chí Thân đến dự buổi tiệc rượu và chiêu đãi phim nhân dịp ngày công bố Luận cương về vấn đề nông thôn XHCN vào hồi 19h ngày 25-2-1972 tại 50 Trần Phú Hà Nội.
Tôi hỏi anh cán bộ Luận cương vấn đề nông thôn là cái gì vậy? Tất nhiên anh tắc tị. Nhưng ngài Đại sứ đã gỡ bí ngay đó là một văn kiện cực kỳ quan trọng của vị Chủ tịch Kim Nhật Thành!
Không có vẻ chiếu lệ trong cuộc thăm. Ông Đại sứ cùng mấy cán bộ ĐSQ tháp tùng hỏi han rất nhiệt tình cán bộ xã nhiều chuyện nhiều lĩnh vực. Dân số, tỷ lệ sinh đẻ, mức sống cùng tình hình kinh tế xã hội của địa phương. Nét mặt ông Đại sứ dường như không có cái vẻ bí hiểm đóng kín của một nhà ngoại giao. Cũng phục cho anh Chữ, vốn tiếng Hàn từ những năm tít xa ấy tưởng rơi rụng hết thế mà ông vẫn góp được nhiều từ cho người phiên dịch chuyển ngữ về địa hạt nông thôn, nông dân.
Chương trình ăn trưa ngay tại Ủy ban xã đã được chuẩn bị trước. Thấy một thành viên trong đoàn tỏ ý ái ngại là làm phiền địa phương nhưng một cán bộ xã cười thật lòng rằng thời buổi kinh tế thị trường chuyện này đơn giản lắm. Xã có mấy nhà hàng nấu cũng được. Dân phố còn mò xuống cơ mà. Nhà nào có nhu cầu, ới cái họ rinh ngay cỗ lên. Công nhận thịt gà luộc, ngan chặt ở đây khá khéo. Bia rượu đầy đủ. Ông chủ tịch xã cười chỉ vào chai rượu trắng nút lá chuối kể lại chuyện năm xưa ông Thân chủ nhiệm đãi cơm cán bộ ĐSQ Triều Tiên về thăm HTX Việt Triều phải xin phép bên ngoại vụ trước cả tuần mới được phép dùng thứ rượu trắng này đấy!
Tiếng cười rộ lên vui vẻ. Các vị khách ban nãy nhiệt tình trong hỏi han nắm tình hình thì giờ cũng nhiệt tình trong việc ẩm thực. Những lượt cụng ly mừng chúc cho xã nhà làm ăn khấm khá nữa...
Cơm xong một lát, ông Đại sứ và đoàn được mời thăm chùa và đình làng. Lại một lần nữa được mục sở thị vẻ sốt mến nhiệt thành của ông Đại sứ qua việc tìm hiểu việc xây cất cùng sự tích thành hoàng làng và việc thờ phụng. Chắc với nhiệm kỳ của mình, ông đã nhiều dịp vãn cảnh nhiều đình chùa nổi tiếng nước Nam… Bâng khuâng khi ngồi gõ những dòng này. Anh hùng LĐ Trần Thọ Chữ đã về cõi. Và các vị đại sứ thân mến của anh Chữ chắc cũng về cố quốc?