Bản Cợp – trên cả nỗi đau

TP - Sáng 19/10, trời vẫn mưa. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây sạt lở mới được thông. Lúc 1h25 sáng 18/10, xe cứu thương đã vào hiện trường để đưa nhiều thi thể được tìm thấy trong vụ sạt lở vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Đoàn 337), Quân khu 4 tại bản Cợp (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị) về TP Đông Hà.

Lực lượng cứu hộ đã đào xới hàng trăm ngàn mét khối đất đá để tìm kiếm 8 chiến sĩ còn lại trong số 22 người bị mất tích sau vụ sạt lở đất. Bên ngoài hiện trường, một số chiến sĩ may mắn thoát nạn bần thần chờ thông tin của đồng đội. Trong vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra lúc 1 giờ sáng đó, đất đá ào ào sập xuống khu nhà tập thể của Đoàn 337, có 27 chiến sĩ đang nghỉ ngơi sau ngày làm việc cật lực. Năm chiến sĩ may mắn kịp thời thoát nạn. Ngoài lái xe Nguyễn Ngọc Huy là 1 trong 5 người được cứu ra ngoài sau khi đất sạt lở vùi lấp khu vực đóng quân của Đoàn 337 trong đêm kinh hoàng đó mà Tin Phong đã kể,  còn có anh Phạm Tấn An, phụ trách thông tin Đoàn 337.

Anh An kể, tối 17/10, anh cùng 26 cán bộ, chiến sĩ ngủ trong khu nhà tập thể. Khoảng hơn 1h sáng 18/10, anh giật mình tỉnh giấc bởi tiếng nổ lớn sau núi. Anh bảo: “Nó quá nhanh, ầm một cái là đất đá ào ào đổ xuống, san phẳng tất cả. Nếu lúc đó anh em chúng tôi không bỏ chạy ra ngoài thì chắc không thoát được”. Sáu cán bộ, chiến sĩ quay lại định tìm kiếm người bị vùi lấp thì đất đá sạt xuống thêm 3 lần nữa. Lúc này, họ buộc phải chạy ra ngoài cổng tránh nạn, chờ lực lượng ứng cứu.

Bản Cợp – trên cả nỗi đau ảnh 1 Anh An kể lại giây phút sạt lở kinh hoàng.

 Thiếu tá Nguyễn Chí Hải, cán bộ Trung đoàn 52 thuộc Đoàn 337 trong lực lượng cứu hộ cứu nạn tại chỗ của đơn vị, thốt lên rằng, đến giờ chưa hết thẫn thờ trước cảnh tượng diễn ra rạng sáng 18/10 oan nghiệt đó. Anh Hải bảo, trung đoàn cách vị trí sạt lở chừng 8km, hơn 30 người đi xe trong đêm đến hiện trường. Đi khoảng 5km thì đường bị sạt ngang. 3km còn lại phải đi bộ. Lúc tới hiện trường, anh thấy 3 dãy nhà bị đất đá cuốn phăng mất tiêu. Cứ một lúc anh em chạy vào tìm kiếm, cứu được vài người rồi phải chạy ra, vì núi tiếp tục sạt lở. Mưa to, với núi lở liên tục nên lực lượng cứu hộ phải dừng lại chờ đến lúc trời sáng

Nhói lòng

 Tại hiện trường vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ ở bản Cợp, những bộ quân phục mới chưa kịp xé bảng ghi tên; những chiếc áo, những đôi giày như vẫn còn hơi ấm... Chỉ có thi thể các anh là lạnh lẽo được tìm thấy từ trong đống bùn đất, đổ nát mới được đào tìm lên kia. Cuối giờ chiều 18/10 tìm thấy 12 thi thể bị núi lở vùi lấp. Thi thể các anh được tìm thấy đều do đồng đội tìm kiếm bằng dụng cụ thô sơ, vì lúc đó, phương tiện, máy móc hiện đại chưa được đưa vào kịp do đường bị sạt lở nặng, chưa kịp thông tuyến.

 Lực lượng tìm kiếm đã dùng tay bới tìm, lật từng tấm bê tông, bới từng đống đất với hy vọng tìm được đồng đội trong tình trạng nguyên vẹn nhất.

 Bới tìm đến đâu, lực lượng tìm kiếm đều đưa ra những vật dụng, tư trang còn sót lại của các chiến sĩ, ai nhìn thấy cũng xót xa lòng. Những vật dụng này, được sắp xếp gọn gàng để gửi kèm theo thi thể các chiến sĩ đã tìm được.

Cả ngày đi cứu dân không kịp ngủ

Gần 2h ngày 18/10, anh Hồ Văn Đinh ở bản Cợp giật mình bởi tiếng người hô hét trước nhà. Cán bộ, chiến sĩ ở Đoàn 337 hốt hoảng chạy. Phía sau họ, tiếng đất đá từ núi Tạc đổ xuống ầm ầm. Anh Đinh bảo: “Cả ngày các anh đi cứu dân chống lũ lụt, có người chưa kịp ngủ”. Sau một ngày mệt nhoài vì giúp dân chạy lũ, 22 chiến sĩ Đoàn 337 về đơn vị lúc 0h. Các anh vừa ngả lưng thì đất đá ngọn núi phía sau giập xuống.

Anh Đinh kể, sạt lở kết thúc, các chiến sĩ chạy ngược lại tìm đồng đội. Song lại một tiếng nổ lớn, đất đá ào ào sạt tiếp, họ phải lùi ra. Cho đến sáng 18/10, thêm vài âm thanh như vậy trước lúc núi Tạc ngừng lay chuyển. Trụ sở Đoàn 337 tan hoang sau vụ lở núi. Bùn đất ập xuống 3 dãy nhà, đẩy các mảng tường trôi xa vài chục mét. Những đồng đội thoát nạn lao vào đống đổ nát để tìm người mất tích. Họ nhanh chóng dìu được 4 người ra khỏi hiện trường. Đống bùn đất còn lại quá lớn. Trời sáng, những chiếc máy xúc đầu tiên mới vượt qua được nhiều điểm sạt lở để tiếp cận hiện trường.

 Ngày 17/10, 27 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 337 hành quân sang xã Hướng Việt cách đó 30 km để giúp đỡ các hộ dân bị ảnh hưởng của mưa lũ. Sau một ngày dầm mưa, họ về đến đơn vị lúc gần 0h. “Anh em về đến đơn vị đều mệt lả, chỉ tắm rửa qua loa rồi về giường. Khi vụ việc xảy ra, có chiến sĩ còn mặc nguyên quân phục, thậm chí chưa kịp ngủ”, một cán bộ Đoàn 337 chia sẻ.

 Đúng 14h30 chiều 19/10, sau hơn một ngày nỗ lực tìm kiếm giữa tiết trời khắc nghiệt, thi thể quân nhân thứ 22 đã được tìm thấy. Mọi người nghẹn ngào trong nước mắt. Chiều, trời biên giới Hướng Phùng vẫn chưa dứt những trận mưa mùa bão gió…

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.