Bạn có dùng smart phone như một… tội ác

Kẻ vô tình quay lại cảnh của người vô tâm. Ảnh minh hoạ
Kẻ vô tình quay lại cảnh của người vô tâm. Ảnh minh hoạ
Một chiếc điện thoại thông minh rơi vào tay một người dùng chưa được thông minh và nó biến thành tội ác. Chúng ta đang phải chứng kiến những tội ác khôi hài này mỗi ngày.

Chủ đề chính của cư dân mạng vài ngày qua là vụ tai nạn thảm khốc tại Nam Định. Một chiếc container gặp nạn và phần thùng xe lật úp đè bẹp rúm một chiếc xe con đi cạnh. 2 người trên xe đã bỏ mạng.

Một vụ tai nạn vốn đã thương tâm, lại càng trở nên tồi tệ hơn khi bất ngờ xuất hiện một người phụ nữ xông tới rút điện thoại dí sát vào các nạn nhân chụp lấy chụp để.

Rất dễ nhận ra, người phụ nữ này đang… gội đầu dở. Xà phòng còn dính đầy tóc mà cô đã như một phản xạ có điều kiện: Thấy tai nạn ở đâu là rút điện thoại quay phim, chụp ảnh ở đó.

Cư dân mạng như vớ được miếng mồi ngon, cùng hùa nhau kéo vào chỉ trích sự vô tâm, thậm chí có chút vô văn hóa của hành động này. Chỉ vì vài phút sống ảo, vài cái like trên Facebook, có đáng không?

Tuy nhiên, có một vấn đề rất… có vấn đề ở đây: Ai đã ghi lại cảnh người phụ nữ này đang chụp ảnh các nạn nhân nằm bẹp dưới chiếc container?

Tác giả của những hình ảnh mà báo chí đăng tải để dân mạng có miếng mồi ngon xâu xé hẳn cảm thấy bức xúc trước hành động vô cảm này, và anh/chị ta cũng rất bản năng: rút điện thoại ra ghi lại.

Thật ra bản chất của sự việc là giống nhau: Ai cũng thích trở thành chủ nhân của một hình ảnh độc trên Facebook, chỉ có điều họ chọn chủ đề khác nhau mà thôi. Người phụ nữ chọn chụp nạn nhân, người còn lại cảm thấy việc chụp lại hành động vô cảm đó lại hot hơn.

Thiết nghĩ thay vì rút điện thoại ra chụp lại người phụ nữ thiếu văn minh kia, một lời nhắc nhở có nhân văn hơn không? Vấn đề là giúp chị ta nhận ra cái sai của mình, thay vì biến chị thành một vật tế thần trên mạng.

Những cái like vô nghĩa đang biến rất nhiều chiếc điện thoại thông minh thành công cụ… tội ác.

Mới đây, một đám cháy xảy ra, ca sỹ Tuấn Hưng xông vào đám cháy cứu người, còn xung quanh anh là 20 thanh niên rút điện thoại ra quay. Từ bao giờ mạng người trở thành công cụ như thế?

Thường gặp hơn nữa là những vụ tai nạn xảy ra mỗi ngày. Người ta luôn cảm thấy việc có được vài bức ảnh đẹp, vài thước phim hay tung lên Facebook quan trọng hơn việc cứu giúp người bị nạn.

Và rồi còn những vụ học sinh còn mặc nguyên trên mình bộ đồng phục nhà trường, nhưng đánh người thì chẳng khác nào côn đồ. Hàng chục chiếc điện thoại lại như bản năng giơ lên.

Những tiếng cổ vũ "đánh mạnh hơn đi", "xé áo nó ra"… vang lên khiến kẻ đánh càng hăng máu, còn người bị đánh càng thống khổ hơn. Tại sao? Vì phải đánh mạnh hơn hoặc hot hơn thì xé áo, xé quần mới có phim hay tung lên mạng.

Rồi chính những thước phim nóng bỏng đó sẽ trở thành bằng chứng để những hành vi côn đồ phải trả giá. Chung quy lại, người bị đánh thì đau, kẻ đánh người bị xử phạt, chỉ những kẻ quay phim post lên mạng là bình an vô sự.

Bạn có dùng smart phone như một… tội ác ảnh 1

Người đánh cứ đánh, người xem cứ xem, người can... chẳng có ai. Ảnh minh hoạ

Phải chăng vì chẳng mất gì, mà chẳng may lại được nổi tiếng trên Facebook nên lực lượng "quay phim viên" giờ đây rất tích cực hóng biến khắp nơi để có những thước phim, hình ảnh nóng bỏng chăng?

Giá như họ hiểu rằng, khi một tội ác xảy ra, chúng ta nên chọn cách hành xử văn minh thay vì tạo ra một tội ác khác thì tốt biết mấy.

Xã hội sẽ ra sao khi tất cả cùng giơ điện thoại lên, còn những người cần cứu giúp lại được lên Facebook trước khi… lên cáng tới bệnh viện?

Theo Theo Kenhsao
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.