Huy động vốn từ TTCK vẫn thấp
Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) tổ chức ngày 30/3, chuyên gia đánh giá, sau hơn 20 năm Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét. Hai cấu phần chính của thị trường vốn Việt Nam gồm: thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn. Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 2 thập kỷ đầu tiên phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu trong nền kinh tế. Năm 2000, khi thị trường chứng khoán mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP. Lúc này doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, thì sau 2 thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019.
“Phát triển thị trường vốn cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, giảm áp lực tăng giá phí trong nước. Đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn cho DNNN”.
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam, khi mà kênh tín dụng ngân hàng cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua.
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), 20 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, còn cần nhiều nỗ lực để chúng ta đạt được những mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán tới đây.
“Việc nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Động lực nâng hạng thị trường, chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng”, bà Bình cho biết.
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất thấp; mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao. Trong khi đó hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới.
Thúc đẩy DNNN cổ phần hoá
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều năm qua, dù chủ trương cổ phần hóa được thực hiện nhưng đa số các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chưa thực hiện hiệu quả. Giai đoạn 2016 - tháng 12/2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị thực tế bán được chỉ đạt 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Việc phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước; qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước.
“Phát triển thị trường vốn cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, giảm áp lực tăng giá phí trong nước. Đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn cho DNNN”, ông Tiến cho biết.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định sẽ tăng cường quản lý, giám sát để thị trường vốn giai đoạn 2021-2030 phát triển bền vững, đồng bộ giữa các cấu phần và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và khu vực DNNN (các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước). Thị trường vốn với nòng cốt là thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường; nâng cao tính cạnh tranh, vận hành thị trường theo xu hướng và thông lệ quốc tế. Từng bước chuyển từ cơ chế quản lý thị trường cổ phiếu dựa trên chất lượng sang công bố thông tin đầy đủ; tiến tới thành lập sàn giao dịch chuyên biệt cho các DNNN; đa dạng phương thức định giá cổ phần chào bán ra công chúng.
Cùng đó, Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành thị trường quan trọng cùng với thị trường cổ phiếu là kênh huy động chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của DNNN. Hình thành thị trường dịch vụ đánh giá hệ số mức tín nhiệm để thúc đẩy DNNN đổi mới quản lý, thúc đẩy quản trị đầy đủ theo nguyên tắc thông lệ quốc tế và coi trọng việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trước người dân và xã hội.
“Thị trường vốn (chủ yếu là các sở giao dịch cổ phiếu, trái phiếu) giữ vai trò là nơi cung cấp vốn đáp ứng yêu cầu về thời gian, khối lượng và giá phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của DNNN. Mặt khác, đây cũng là tấm gương phản chiếu kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phải đổi mới quản trị, minh bạch thông tin, tăng cường sức cạnh tranh, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nguyên tắc thị trường”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.