Bị cáo Nguyễn Thị Châu Ngân mới 23 tuổi nhưng đã làm mẹ đơn thân được 5 năm. Đứa con trai 5 tuổi là hậu quả của tình yêu nông nổi, dại khờ mà Ngân bị lợi dụng và lừa gạt.
Ảnh minh họa. |
Hận kẻ bạc tình, chán nản cuộc sống vất vả thiếu thốn, trong cơn tuyệt vọng cùng cực Ngân đã xuống tay sát hại con trai mình rồi tự sát với ý định hai mẹ con cùng chết. Nhưng rốt cục Ngân không chết mà vẫn phải sống để ra Tòa nhận mức án 7 năm tù về tội tước đi mạng sống của đứa con trai mà mình đã sinh thành.
Nỗi đau thôn nữ bị lừa tình
5 năm về trước, Ngân mới bước vào tuổi 18, tuy không thuộc hàng sắc nước hương trời nhưng cũng khá duyên dáng mặn mà. Như bao thiếu nữ lần đầu yêu, trái tim Ngân đã trao gửi cho một chàng trai trẻ làm cùng với biết bao đam mê hy vọng.
Cô đã dâng hiến trọn vẹn cho người yêu không chút đắn đo, nghi ngờ để rồi sau chút men say tình ái, cô mới biết rằng, người cô yêu lại là một gã Sở Khanh, hắn đã quất ngựa truy phong bỏ mặc cô với cái bụng bầu.
18 tuổi, khi mà chúng bạn đang ở cái tuổi vô tư thì Ngân đành ngậm đắng nuốt cay để làm bà mẹ đơn thân. Rồi Ngân sinh con trai, đặt tên là Kiệt.
Từ ngày có con, Ngân bắt đầu phải tự xoay sở, cố gắng lo liệu cho cuộc sống của hai mẹ con nhưng vẫn không đủ, phần lớn vẫn phải nhờ cậy vào sự trợ giúp của gia đình.
Thời gian đầu sau sinh, Ngân ra chợ phụ mẹ bán rau quả, tranh thủ khi vắng khách mới tạt về nhà chăm con. Khi bé Kiệt được một tuổi thì Ngân gửi con vào nhà trẻ, còn mình xin làm vệ sĩ cho một công ty ở khu công nghiệp Sông Mây.
Sau mỗi ngày làm việc vất vả, tan ca là Ngân tạt qua nhà trẻ đón con về, cậu con trai bụ bẫm kháu khỉnh tíu tít bi bô kể mẹ nghe những chuyện vui vẻ hồn nhiên khiến nỗi tủi hờn, mệt nhọc trong Ngân tan biến hết. Đã có lúc, Ngân nghĩ rằng hạnh phúc với cô ta thế là đủ khi chỉ cần có con, được sống cho con.
Những tưởng khi đứa con càng lớn thì cuộc sống của mẹ con Ngân càng dễ chịu hơn. Vậy mà những khó khăn vất vả cứ từ đâu ập đến, nhấn chìm niềm hạnh phúc mong manh của bà mẹ đơn thân trẻ.
Nỗi đau khổ, tủi phận khiến Ngân chìm vào nỗi trầm cảm, tuyệt vọng. Ngân muốn tìm đến cái chết để thoát khỏi nỗi đắng cay, ê chề duyên phận và sự vất vả nghèo khổ của đời mình.
Nghĩ rằng nếu mình chết đi thì bé Kiệt sẽ khổ lắm vì phải chịu điều tiếng dư luận, lại không ai quan tâm chăm sóc nên Ngân nảy ý định sát hại con rồi tự tử để hai mẹ con được bên nhau mãi mãi trong thế giới vĩnh hằng.
Mưu kế dại dột…
Hôm đó, ngày 20-6-2011, sau khi tan ca, Ngân tạt sang nhà trẻ để đón bé Kiệt về. Trên đường về, Ngân ghé tiệm tạp hóa mua dao lam, một bịch bánh mà con trai yêu thích.
Bé Kiệt tỏ ra vô cùng hứng khởi vì được mẹ cho quà. Hai mẹ con quấn quýt bên nhau được một lúc thì Ngân cho con ăn bánh, uống thuốc và dỗ dành cháu Kiệt ngủ sớm hơn mọi khi.
Bé Kiệt vô tư trong vòng tay mẹ ngủ say, Ngân liền lấy dao lam cắt vào tay mình, cắt vào tay con để tìm cái chết cho cả hai mẹ con. Bé Kiệt giật mình khóc thét lên, Ngân liền lấy tay bịt chặt miệng con, để mọi người không phát hiện. Bé Kiệt vùng vẫy trong đau đớn một lúc thì ngất lịm, chìm sâu vào giấc ngủ hư vô.
Sau đó, Ngân lấy điện thoại nhắn tin vào máy của mẹ ruột (đang bán hàng ngoài chợ) với nội dung: “Con và bé Bi đi trước đây”. Tiếp theo, Ngân gom tất cả những loại thuốc tân dược có trong nhà uống sạch và uống thêm một chai nước rửa chén, rồi lên giường mơ về cõi vĩnh hằng.
Khi mẹ Ngân và người em gái tất tả chạy về, phá cửa buồng xông vào thì bé Kiệt đã tử vong. Riêng Ngân được đưa đi bệnh viện cấp cứu nên thoát chết và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật về hành vi sát hại đứa con trai bé bỏng từ khi mới sinh ra đã phải gánh chịu mọi đau khổ, thiệt thòi.
Đừng để cái nghèo giết chết nhân tính
Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, bị cáo Ngân trình bày nguyên nhân dẫn đến hành động tàn ác như sau: “Do mẹ của bị cáo lâm vào cảnh nợ nần; thu nhập của bị cáo mỗi tháng chỉ hơn 2 triệu đồng nên không nuôi con nổi, bị cáo buồn chán chuyện tình cảm của bản thân và không muốn khi bị cáo chết, mẹ phải chịu thêm gánh nặng cưu mang cháu Kiệt…”.
Thấy lý do bị cáo trình bày chưa thuyết phục, HĐXX chất vấn: “Bị cáo phải trình bày cụ thể lý do vì sao có hành vi giết con ruột của mình, chẳng hạn như bị ai đó thường xuyên phê phán bị cáo lý do không chồng mà có con hoặc khi thấy các chủ nợ đến nhà xiết nợ mẹ ruột, hay bị cáo bị mẹ ruột bức bách phải mượn tiền để mẹ trả nợ…”.
Nữ bị cáo trình bày trong tiếng nấc: “Bị cáo giết con và tự sát là do nhiều lần có ý định này mà chưa thực hiện được. Nguyên nhân bị cáo giết con là do buồn chán chuyện tình cảm cá nhân và mẹ thiếu nợ nần chồng chất”.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Ngân cho rằng, ngoài các tình tiết giảm nhẹ, như phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, nhân thân tốt thì đề nghị Tòa cân nhắc cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là bị bệnh trầm cảm, thiếu hiểu biết pháp luật, suy nghĩ nông cạn.
Nhận định rằng hành vi của bị cáo không thể tha thứ, cần xử mức án nghiêm để răn đe và phòng ngừa chung, tuy nhiên, trong quá trình thụ án, bị cáo vẫn có nhiều cơ hội được giảm án để sớm về với gia đình và làm lại cuộc đời, khi tuổi đời vẫn còn trẻ nên TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Châu Ngân mức án 7 năm tù giam về tội giết người.
7 năm tù hay nhiều hơn nữa chắc chắn cũng không thể làm vơi đi nỗi day dứt, ân hận khôn nguôi trong lòng người mẹ trẻ tội lỗi. Mức án của Tòa rồi sẽ có ngày mãn hạn, nhưng bản án lương tâm chẳng biết còn đeo đẳng bị cáo đến bao giờ?.
Theo Phương Anh
Pháp luật Việt Nam