Bãi xe “vây” di tích ở Hà Nội: Khó xử lý dứt điểm

Bãi đỗ xe ở Đình Quan Đế (Hàng Buồm). Ảnh: Trần Hoàng
Bãi đỗ xe ở Đình Quan Đế (Hàng Buồm). Ảnh: Trần Hoàng
TPO - Lãnh đạo các địa phương cho rằng, xe máy, xe đạp quây kín các di tích đền, đình là do nhu cầu để xe của người dân lớn. Rất khó để xử lý dứt điểm.

Ông Trần Vũ Đại, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa) vừa có văn bản gửi báo Tiền Phong liên quan đến nội dung báo đăng về việc trông giữ xe trước Đình Kim Liên.

Sau khi có phản ánh, UBND phường đã tiến hành kiểm tra và làm việc với Tiểu Ban Bảo vệ di tích Đình, Ban Công tác mặt trận khu dân cư để đảm bảo cho khách thập phương đến tham quan, du lịch có nơi để xe.

UBND phường cũng đã có Thông báo số 42, số 74 về việc giải tỏa phương tiện khu vực Giếng Ngọc để di chuyển toàn bộ phương tiện ra khỏi khu vực này để đảm bảo cảnh quan Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia. Tuy nhiên, UBND phường nhận được nhiều ý kiến phản ánh của cử tri và đề nghị của Bí thư chi bộ khu dân cư.

Theo đó, do điều kiện sinh hoạt của đa số nhân dân, cùng các cô giáo trường Mầm non Phương Liên vì diện tích nhà, trường nhỏ, không đủ chỗ để xe nên có nguyện vọng được tạm gửi xe tại khu vực bên ngoài Giếng Ngọc (Đình Kim Liên) để tạo điều kiện sinh hoạt cho các gia đình và khu vực sân chơi cho các cháu thiếu nhi.

UBND phường cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể tập trung giải quyết dứt điểm việc trên để đảm bảo cảnh quan khu vực di tích.

Bãi xe “vây” di tích ở Hà Nội: Khó xử lý dứt điểm ảnh 1 Bãi xe máy vây kín cổng 1 di tích trên phố Lãn Ông

Còn tại đình Quan Đế (phố Hàng Buồm), tình trạng đỗ xe máy 2 hàng trước cổng đình vẫn liên tục diễn ra. Việc xe đỗ che kín mặt tiền không chỉ làm cảnh quan đình xuống cấp, mà còn cản trở du khách vào tham quan đình.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Linh, Trưởng công an phường Hàng Buồm cho hay, do phố cổ chật hẹp, nhu cầu gửi xe của người dân là rất lớn nên không thể tránh được việc để xe ở đình Quan Đế. Việc người dân mang xe ra đỗ ở đây rất khó xử lý dứt điểm, chỉ có thể tuyên truyền vận động người dân. “Tuy nhiên, chúng tôi đã kiểm tra không có trông giữ xe trước cửa đình”, ông Linh khẳng định.

Trước đó, báo Tiền Phong có phản ánh về việc đình Kim Liên – một trong bốn di tích được mệnh danh “Thăng Long tứ trấn”, đang bị lấn chiếm một phần để làm nơi trông giữ xe. Vỉa hè phố Xã Đàn trước đình Kim Liên được tổ chức trông giữ hàng trăm xe mỗi ngày.

Nhiều xe để cả trong khu vực xung quanh giếng Ngọc. Bãi xe có biển tên: “Nơi trông giữ xe của du khách đến lễ đền Kim Liên” nhưng hầu như khách gửi xe đều là cán bộ, nhân viên của các công ty quanh đây. Trên vé gửi xe máy/xe đạp của Tiểu ban bảo vệ di tích, đình Kim Liên không ghi giá nhưng lại thu 5.000 đồng/xe, cao hơn giá quy định của thành phố.

Tình trạng lấn chiếm di tích để làm bãi trông giữ xe diễn ra phổ biến hơn ở khu vực phố cổ. Tại đình Đông Thành (số 7 Hàng Vải), đình Phúc Kiến (phố Lãn Ông), đình Quan Đế (phố Hàng Buồm)… đều bị sử dụng vỉa hè phía trước di tích làm nơi trông giữ xe máy phục vụ kinh doanh.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.