Cậu bé Alan ốm yếu từ nhỏ, trời chưa lạnh, cậu đã bị viêm phế quản, trời chưa nóng, cậu đã bị dị ứng mẩn ngứa, thời gian ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà.
Một buổi chiều, khi đang tha thẩn chơi trước cửa nhà, Alan gặp bà cụ Barbara trông dáng vẻ mệt mỏi, yếu ớt đang còng lưng xách một giỏ thức ăn nặng trĩu đi tới. Alan ái ngại bước tới, cậu bé nói rất muốn giúp bà cụ nhưng sợ sức mình không kham nổi.
Nhìn bà Barbara nặng nhọc bước từng bậc cầu thang, cậu bé Alan chạy theo bảo: “Bà cứ để cháu thử xem sao” và cậu bé dùng cả hai tay nâng giỏ thức ăn lên, giỏ rất nặng nhưng cậu bé vẫn cố hết sức. Bà Barbara vừa đi vừa cổ vũ và kể chuyện cho Alan nghe, cuối cùng cũng lên đến nhà bà cụ ở tầng 6. Alan ướt đẫm chiếc áo, thở hổn hển, mấy người hàng xóm trông thấy rất ngạc nhiên và đều khen ngợi Alan khiến cậu bé rất vui, quên hết cả mệt nhọc.
Từ hôm ấy, ngày nào Alan cũng chờ ở chân cầu thang đúng giờ bà cụ Barbara đi chợ về để mang giỏ đồ lên nhà giúp cụ, cậu bé quên mất rằng mình luôn ốm yếu mà thấy vui khi ngày nào cũng làm được việc có ích cho người khác. Điều này khiến Alan trở nên hoạt bát, nói cười nhiều hơn, cậu bé chạy lăng xăng khắp nhà, giúp mẹ dọn bàn ăn, giúp bố lấy đồ nghề sửa xe, khiến cả nhà rất ngạc nhiên.
Mẹ Alan hỏi cậu bé về sự thay đổi này và khi nghe xong câu chuyện, mẹ Alan ngạc nhiên bảo rằng, bà cụ Barbara từng là võ sỹ Aikido rất nổi tiếng, đến giờ bà vẫn là cố vấn cho câu lạc bộ Aikido của thành phố. Alan ngớ người, cậu bảo mẹ rằng bà cụ Barbara trông yếu ớt lắm, sao là võ sỹ được nhưng mẹ Alan thì đã hiểu ra, chị thầm cảm ơn cụ già đã âm thầm giúp đỡ con trai mình.
Alan vội vàng chạy lên tầng 6 gặp cụ Barbara để hỏi rõ sự tình, cụ bà gật đầu bảo cụ đúng là cựu võ sỹ Aikido, bà nói: “Alan, giờ đây cháu thấy mình là một người khỏe mạnh và sống có ích phải không nào? Đó chính là lý do ta cần cháu giúp mỗi ngày chứ không phải là ai khác, để cháu có thể nhận ra một điều rằng: nếu ta không thử, nếu ta cứ lo sợ và e ngại về khả năng của mình, về hoàn cảnh của mình, thì ta sẽ không bao giờ làm được việc gì cả và ta cũng không bao giờ biết được giới hạn chịu đựng cũng như năng lực của mình tới đâu. Cháu hãy nhớ nhé!”.