Bài học từ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hiện, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành gần nửa lộ trình, giai đoạn 1 đưa vào khai thác 8/11 dự án thành phần, trong nửa năm tới 3 dự án còn lại của giai đoạn này sẽ về đích. Từ thực tế triển khai các dự án giai đoạn vừa qua, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, đặc biệt trong gỡ vướng mắc thủ tục, mặt bằng, vật liệu.

Khó khăn không thể cản bước

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) đã khai thác 8/11 dự án thành phần. Dự kiến, cuối năm nay cầu Mỹ Thuận 2 sẽ đưa vào khai thác, hai đoạn còn lại theo hình thức BOT là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo quý 2/2024 cũng vận hành. Tổng chiều dài đường cao tốc cả nước đã đạt hơn 1.822 km.

Bài học từ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam ảnh 1

Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Ninh Bình - Thanh Hóa hoàn thành đưa vào khai thác từ dịp 30/4 vừa qua

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam luôn được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, cho phép nhiều cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Thủ tướng làm Trưởng ban, để trực tiếp chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về vật liệu đất, cát. Dự án cũng nhận được sự chung tay của địa phương, nhà thầu, nhờ đó đã về đích đúng hẹn, đảm bảo chất lượng.

Dù vậy, trong 3 năm thi công, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại, như ảnh hưởng dịch COVID-19; nhiều vị trí địa chất phức tạp cần thời gian xử lý, điều chỉnh phương án thi công; giá nhiên vật liệu tăng cao ảnh hưởng tới tài chính của nhà thầu; vướng mặt bằng và nguồn cung vật liệu, đặc biệt đất đắp nền; thời tiết cực đoan…

Vượt qua khó khăn, vướng mắc để đạt tiến độ đề ra, cần sự nỗ lực, hỗ trợ từ rất nhiều bên. Ông Thắng dẫn câu chuyện tương trợ của các nhà thầu thi công đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu. Thời điểm đấu thầu các doanh nghiệp cạnh tranh rất quyết liệt, nhưng khi vào thi công họ cùng nhau phối hợp thực hiện. Giai đoạn nước rút để đưa dự án vào khai thác dịp Quốc khánh 2/9, trước việc một số gói thầu khó đạt tiến độ, lãnh đạo Bộ GTVT đặt vấn đề, lập tức các nhà thầu khác đã chung tay giúp sức. Có nhà thầu huy động tới 150 nhân sự, nhiều máy móc để hỗ trợ kịp đưa dự án về đích đúng kế hoạch. “Sự tương trợ đó là điều chưa từng có, đáng quý trong bối cảnh kinh tế thị trường và cạnh tranh giữa các đơn vị. Chính nhờ tương trợ đó mới có thể hoàn thành đưa đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu khai thác đúng dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong tổng thời gian triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, chỉ có 1/3 thời gian cho thi công xây lắp, vì 2/3 thời gian còn lại phải xử lý thủ tục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kéo dài. Do đó, khi triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và các dự án cao tốc khác, Bộ GTVT đã rút kinh nghiệm từ dự án trước để chủ động báo cáo cấp thẩm quyền xử lý các vướng mắc ngay từ đầu. Tập trung chính vào gỡ vướng về mặt bằng và vật liệu đắp nền đường, để giảm thời gian thủ tục, thêm thời gian cho thi công.

Những bài học xương máu

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đưa ra 6 bài học kinh nghiệm từ triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Kinh nghiệm đầu tiên vẫn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khi vướng mắc các bộ ngành ở trung ương cùng phối hợp giải quyết, ở địa phương có sự vào cuộc của bí thư, chủ tịch tỉnh tới các hội, đoàn thể. Điều này dễ nhận thấy qua công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu, vì cùng cơ chế, chính sách nhưng có nơi làm nhanh, nơi làm chậm, khác biệt tới từ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.

Bài học từ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam ảnh 2

Lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra hiện trường cao tốc Bắc - Nam để kịp gỡ vướng mắc, thúc tiến độ (Trong ảnh, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ - thứ 3 từ trái sang kiểm tra dự án cao tốc qua Hà Tĩnh)

Cũng có bài học về bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý dứt điểm, giảm thủ tục, bớt khâu trung gian để ưu tiên tối đa thời gian cho thi công. Suốt thời gian thi công cao tốc Bắc - Nam vừa qua, bộ trưởng và các thứ trưởng Bộ GTVT hằng tuần, hằng tháng đều có mặt ở công trường. Qua đó trực tiếp nắm thực tế để đưa ra chỉ đạo, hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các bộ ngành, địa phương để đưa ra hướng giải quyết thay vì chờ họp, kiểm điểm mới có ý kiến sẽ rất lâu. Qua đi thực tế, lãnh đạo bộ cũng ghi nhận phản ánh từ địa phương về ban quản lý dự án, nhà thầu để điều chỉnh ngay.

Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 có 11 dự án thành phần, tổng chiều dài gần 653km. Tới nay đã hoàn thành đưa vào khai thác 8 dự án thành phần đầu tư công với tổng chiều dài hơn 518km, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lộ - La Sơn.

Về phía địa phương, cần tập trung giải quyết đồng thời các công việc để giải phóng mặt bằng phải đi trước 1 bước. Bên cạnh đó, nhu cầu vật liệu (đất, cát) cho cao tốc rất lớn, các địa phương cần chủ động nguồn cung, cấp phép khai thác theo tiến độ thi công; kiểm soát chặt nguồn gốc, giá vật liệu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, đẩy giá.

Một kinh nghiệm khác cũng được ông Thắng chỉ ra, khâu chuẩn bị đầu tư cần làm kỹ, đặc biệt khảo sát, thiết kế nhằm giảm sai số, phải điều chỉnh khi thi công thực tế. Dù sai số vẫn có, nhưng các đơn vị liên quan phải phối hợp tốt để xử lý.

Cụ thể như đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, khảo sát không phát hiện ra nhưng khi thi công gặp 1 túi bùn, nhà thầu thiết kế và đơn vị thi công đã chủ động phối hợp để đưa ra giải pháp xử lý, nên không phải mất vài tháng chờ điều chỉnh. Cuối cùng, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu phải xây dựng kế hoạch thi công chi tiết theo thực tế, từ đó huy động nhân sự, máy móc phù hợp tập trung thi công.

Từ những kinh nghiệm rút ra và bài học có được, ngành GTVT phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản thông cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; hỗ trợ địa phương hoàn thành những dự án cao tốc liên vùng, đạt mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc.

“Đạt được mục tiêu này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đề ra. Mở thêm những con đường, mở ra những cơ hội mới, sớm đưa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường thành hiện thực”.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.