Bài học trẻ con dạy cho người lớn

Ảnh phim “Báo thù”của Sony Pictures Classics
Ảnh phim “Báo thù”của Sony Pictures Classics
TP - Bộ phim In a better world (Trong một thế giới tốt đẹp hơn) không hiểu sao lại có cái tên tiếng Anh thi vị như vậy, khiến các khán giả lãng mạn được dịp mơ mộng. Tên gốc tiếng Đan Mạch của phim là Báo thù.

> Cành cọ vàng cho Tình yêu

Ảnh phim “Báo thù”của Sony Pictures Classics
Ảnh phim “Báo thù”của Sony Pictures Classics.

Khi hạ thấp cảm hứng lãng mạn xuống một chút, sẽ dễ dàng nhận ra chủ đề của phim hơn. In a better world chính xác nói về sự báo thù, về khía cạnh tăm tối nhất của tâm hồn- bạo lực, hơn là cảm hứng lạc quan về một thế giới tốt đẹp (dù điều này được thể hiện qua cái kết có hậu).

Christian, 10 tuổi, cho rằng nếu cậu đánh đứa học sinh đầu gấu nhất trường một trận nên thân thì sẽ chẳng ai ở trường dám bắt nạt cậu nữa. Điều đó đúng.

Christian dùng bơm xe đạp quật liên hồi vào bạn, dùng cả dao để đe dọa. Cậu bé hành động theo tư duy đơn giản: “Bị đánh thì phải đánh lại đau hơn”.

Ban đầu, bộ phim tạo ấn tượng… dễ chơi, khiến khán giả tin rằng suy nghĩ của Christian chỉ là sự nông nổi con trẻ, dù cách thể hiện khiến người ta ái ngại.

Câu nói của cậu bé nói với bố của bạn mình, bác sĩ Anton “Bây giờ không đứa nào dám đánh cháu nữa” khiến ai cũng bật cười vì ngây ngô.

Phim có vẻ như không đồng tính với xu hướng “bạo lực chống bạo lực” và khán giả có thể yên tâm.

Yên tâm như thế là quá sớm. Lúc đó phim còn chưa đi được nửa chặng. Bác sĩ Anton, người luôn tin bạo lực là cách xử sự của kẻ hèn nhát, và không bao giờ dùng nó để giải quyết rắc rối, rơi vào trường hợp phải dao động.

Đó là khi anh phải cứu chữa một bệnh nhân đặc biệt khi đi tình nguyện ở châu Phi, một kẻ giết người hàng loạt, đã mổ bụng rất nhiều phụ nữ. Người dân ở đó căm thù hắn, các y tá từ chối phụ giúp Anton phẫu thuật cho cái chân đau của hắn.

Là bác sĩ, lựa chọn duy nhất của Anton là cứu chữa, cho dù bệnh nhân là ai. Nhưng diễn biến bộ phim đẩy Anton đến hoàn cảnh khó khăn, anh nhận ra bệnh nhân của anh thực sự tàn ác, có thể cười đùa trước cái chết của một phụ nữ.

Đến đây khán giả hiểu rằng, đây là chuyện người lớn, không thể phản ứng bằng cách cười ồ cho qua như với Christian. Anton ném tên bệnh nhân bạo chúa ra khỏi trại, để mặc người dân đánh chết hắn. Một người hiền lành, luôn từ chối bạo lực, dạy con cái không được dùng vũ lực, đã chọn bạo lực để giải quyết vấn đề.

Nhưng đó không phải là tha hóa. Đó là trả thù.

Bạo lực là thứ nên tránh, nhưng đến những lúc không thể tránh thì không cần tránh nữa.

Đến lúc này, khán giả một lần nữa tưởng như đã yên tâm lý giải xong chuyện bạo lực trẻ em và người lớn. Không hẳn họ chấp nhận cách hành xử của các nhân vật, nhưng họ đã tìm ra lý do khả dĩ chấp nhận được.

Thế rồi lại có thêm bước ngoặt mới: xu hướng bạo lực của Christian không dừng ở trường học.

Sau lần chứng kiến Anton- bố của bạn thân, bị một người đánh vô cớ, Christian tức giận đến nỗi quyết chế một quả bom cho nổ tung xe hơi của lão kia. Khi một đứa trẻ không khoan nhượng với tài sản và có thể cả tính mạng của người khác, khán giả hiểu rằng, không thể yên tâm dễ dãi như trên kia được nữa.

Trong lúc tìm ra cách nghĩ cho phải thì khán giả tạm thời hoang mang. Trong lúc họ hoang mang thì kế hoạch của Christian đã thành công. Chiếc xe nổ tung, nhưng xảy ra một sự cố lớn: Elias, bạn thân kiêm tòng phạm của Christian- con trai của Anton, bị thương nặng trong vụ nổ.

Khó, phải không? Với trẻ con thì đừng mang chuyện luật pháp ra nói- với chúng tình người quan trọng hơn. Nhưng cũng đừng mang chuyện tình người ra nói, khi chúng chẳng thể thấy cái tình đó ở đâu trong cách cư xử của người lớn.

Christian trở nên u ám vì cái chết của người mẹ ung thư, và hằn học người bố vì cho rằng ông đã mong mẹ cậu chết để nhẹ gánh. Bố cậu cũng có dằn vặt riêng, nhưng không bao giờ chia sẻ với con.

Mà trẻ con thì không thể đòi hỏi chúng có một cái đầu tinh tế. Và cũng chẳng phải chỉ người lớn mới được dạy bảo trẻ con, chính họ cũng học được rất nhiều từ trẻ con đấy thôi.

Christian tự coi mình là người đi tìm sự công bằng cho thế giới, của cả trẻ con và người lớn, thậm chí tự nhận luôn nhiệm vụ trả thù cho những sai trái của thế giới.

Cậu bé là kiểu trẻ con kinh khủng hơn tất cả những kiểu trẻ con mà chúng ta hay gặp, vốn dù sao cũng dễ thương khờ khạo ở một mặt nào đó.

Christian có thể trông đẹp trai nhưng ánh mắt tối hơn cả bầu trời đêm. Các nhà phê bình quốc tế nói rằng tên phim Báo thù chính xác là mô tả nội tâm của Christian.

Ngập trong đống thông tin trên báo chí Việt Nam về những tội ác ngày càng đầy rẫy, có những người cố gắng suy ngẫm để lý giải “Tại sao?”.

Họ muốn một (hoặc vài) câu trả lời khái quát từ những sự việc đơn lẻ. Vậy thì, In a better world mang đến một cách lý giải sâu sắc hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ.

Với nội dung có vẻ u ám, In a Better World vẫn có rất nhiều khoảnh khắc khiến người xem cười sảng khoái nhờ các câu thoại hoặc thông minh hoặc khờ khạo. Đó cũng là thành công của người làm phim.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG