Bài 3: Tiết kiệm điện: Dư địa còn nhưng thách thức chồng chất

0:00 / 0:00
0:00
Theo EVN, v iệc chậm ban hành các quy định, hướng dẫn về định mức tiêu hao năng lượng, danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ dẫn tới thiếu các rào cản kỹ thuật để hạn chế các công nghệ, thiết bị lạc hậu , tiêu tốn nhiều năng lượng được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
Bài 3: Tiết kiệm điện: Dư địa còn nhưng thách thức chồng chất ảnh 1

Tổn thất điện năng giai đoạn 2010-2021

Khó khăn, thách thức luôn thường trực

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương về việc thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2022- 2025, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản hướng dẫn dưới luật đã thể chế hoá các quy định liên quan đến tiết kiệm điện tại Việt Nam. Luật đã góp phần gỡ bỏ các rào cản, tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc có tới 3 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện cũng đã giúp cụ thể hóa và tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan bộ, ngành.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn vướng mắc hiện nay, theo EVN, chính là Quyết định số 51 và Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dù tạo nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là quy định về lộ trình áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các sản phẩm đèn tròn sợi đốt, lộ trình dán nhãn năng lượng. Tuy nhiên, do quy định chỉ cấm nhập khẩu, sản xuất và lưu thông đèn tròn có công suất lớn hơn 60W (từ ngày 1/1/2013) nên nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ, doanh nghiệp sản xuất vẫn sử dụng các bóng đèn sợi đốt loại 60W (ví dụ: khu vực trồng thanh long, trồng hoa, nuôi gia cầm, trang trí…).

Bài 3: Tiết kiệm điện: Dư địa còn nhưng thách thức chồng chất ảnh 2

Việc kiểm tra, giám sát thường xuyên việc tuân thủ quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp sử dụng điện lớn sẽ là giải pháp giúp cho toàn nền kinh tế được hưởng lợi từ việc tiết kiệm điện hàng năm

“Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm nghiên cứu và thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm”, đại diện EVN đánh giá.

Việc chưa xây dựng được hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả của các chương trình tiết kiệm điện để áp dụng, đánh giá kết quả thực hiện tiết kiệm điện của các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc cũng như hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước chưa hiệu quả, chưa phát hiện và xử lý được nhiều trường hợp vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là một thách thức lớn hiện nay. Cùng với đó, là công tác quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm tại các doanh nghiệp ở các địa phương còn thiếu sự kết hợp giữa các sở, ban ngành.

“Giá điện ở Việt Nam còn thấp so với thế giới và khu vực, dẫn tới khách hàng chưa quan tâm đúng mức việc tiết kiệm điện. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tận dụng chính sách giá điện rẻ cho sản xuất công nghiệp để mang những nhà máy có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp để sản xuất, xuất khẩu ở Việt Nam”, đại diện EVN đánh giá.

Cần cơ chế giám sát chặt hơn

Theo lãnh đạo EVN, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chương trình tiết kiệm điện để toàn thể nhân dân, các tổ chức, cá nhân, khách hàng sử dụng điện nhận thấy phải có trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó, các hoạt động tiết kiệm điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo nên ý thức tự giác trong mọi hoạt động của xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Toàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị tham gia và thực hiện các giải pháp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, tập đoàn đã đặt mục tiêu giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6% trong giai đoạn 2022 - 2025. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ dàng khi xu thế đọc, việc trải nghiệm sử dụng điện của người dân giờ đã khác đòi hỏi chính bản thân EVN và cả ngành điện phải thay đổi cách tiếp cận với người sử dụng điện. Bản thân tập đoàn đã đẩy rất mạnh việc chuyển đổi số, điện tử hóa các tài liệu tuyên truyền. Đặc biệt, tập đoàn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trên phạm vi cả nước, thường xuyên, liên tục, trên các kênh truyền thông truyền thống và mạng xã hội.

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện như đã thực hiện nhiều năm nay, EVN đã và đang phối hợp với Bộ Công Thương, cùng hàng loạt đơn vị và các đối tác để triển khai một số chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện trên toàn quốc. Cùng đó, tập đoàn cũng duy trì, tăng cường tư vấn, hỗ trợ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, điều chỉnh phụ tải điện (DR) và chăm sóc khách hàng miễn phí đối với 10.049 khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên.

“EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện nói riêng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng nói chung. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ ≥ 1 triệu kWh/năm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm”, EVN đề xuất.

EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương, sớm rà soát kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng chuyển từ cơ chế tự nguyện sang bắt buộc, quy định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý năng lượng’, EVN đề xuất.

Với Bộ Khoa học và Công nghệ, EVN kiến nghị sớm ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ. Đồng thời xem xét bổ sung thêm những sản phẩm công nghiệp và công nghệ sản xuất lạc hậu cần phải loại bỏ, không còn phù hợp hợp điều kiện phát triển kinh tế xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần thường xuyên cập nhật và đưa các nội dung về sử dụng tiết kiệm năng lượng tiết kiệm và hiệu quả một cách phong phú và đa dạng vào hoạt động giáo dục, đào tạo phù hợp với từng cấp học, nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên những hiểu biết về năng lượng, tình hình sử dụng năng lượng và các biện pháp tiết kiệm điện. Việc UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hành động cụ thể hàng năm, tổ chức tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên việc tuân thủ quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp sử dụng điện lớn sẽ là giải pháp giúp cho toàn nền kinh tế được hưởng lợi từ việc tiết kiệm điện hàng năm.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển kinh tế bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết, xét về chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (lượng năng lượng mà nền kinh tế phải sử dụng để tạo ra được 1.000 USD GDP), hiện nay Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn Thái Lan khoảng 30%, hơn Malaisia khoảng 60%... Như vậy cho thấy, sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa hiệu quả.

“Thời gian tới, Việt Nam nên lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế... Trong đó, có chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam...” – ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ.

MỚI - NÓNG