Sai phạm nghiêm trọng tại Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM:

Bài 2: Tiền tăng, người nhiễm HIV không giảm

Bài 2: Tiền tăng, người nhiễm HIV không giảm
TP - Hàng năm Ủy ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM nhận hàng triệu USD từ nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Tuy nhiên, số tiền ấy sử dụng vào những hoạt động nào không ai biết, trừ Phó Chủ tịch Thường trực UBPC HIV/AIDS và một số cán bộ dưới quyền.

Theo báo cáo của UBPC HIV/AIDS TPHCM, trong năm 2005, đơn vị này đã ký với đối tác (các tổ chức nước ngoài) nhận tài trợ 37 tỷ đồng và đã sử dụng 28 tỷ đồng.

Năm 2006 ký được 56,4 tỷ đồng. Ngoài ra, UBPC HIV/AIDS TPHCM còn giao cho một số đơn vị trực tiếp ký với các đối tác nhận trên 4 tỷ đồng (năm 2006).

Như vậy, chỉ tính năm 2006, UBPC HIV/AIDS TPHCM đã thu được 60 tỷ đồng. Ấy là chưa kể nguồn kinh phí thuốc điều trị kháng vi rút HIV (ARV) do tổ chức Pepfar tài trợ.

Với nguồn tiền tài trợ ấy, trong ngành y tế, tài khoản của UBPC HIV/AIDS TPHCM được xem là cái kho chứa tiền nhưng tiêu không hết nhưng số người nhiễm HIV không hề giảm.

Khi trao đổi với PV Tiền phong, bác sĩ Nguyễn Hữu Luyến, Trưởng khoa  Phòng chống HIV/AIDS - Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TPHCM đã cung cấp những thông số đáng kinh ngạc.

Từ năm 2000 đến nay, TPHCM đã không ngăn chặn được tình trạng lây nhiễm HIV mới. Cụ thể khi dịch bùng phát năm 1993, TPHCM phát hiện 631 ca, đến 1999 số lây nhiễm mới là 1.164 ca (tăng 1,8 lần) và đến năm 2006 phát hiện 7.902 ca, tăng gấp 7 lần so với năm 1999.

“Trong khi đó, số liệu toàn quốc từ năm 2.000 đến nay đã chững lại và xu thế năm sau giảm hơn năm trước. Nếu ta không tổ chức thay đổi cách làm theo quốc gia thì những năm tới sẽ có hàng chục ngàn ca nhiễm HIV mới/năm đồng nghĩa với hàng chục ngàn gia đình tan nát.

Đây là vấn đề kinh tế xã hội không nhỏ. Trong khi toàn quốc đang giảm dần ca nhiễm mới hàng năm của TP HCM lại tăng”- bác sĩ Luyến bức xúc.

Theo biểu đồ nhiễm HIV qua các năm của Cục phòng chống HIV/AIDS thì số ca nhiễm HIV mới của cả nước thực sự ở “đỉnh” vào năm 2002 (hơn 16.000 ca) nhưng các năm sau đường đi của biểu đồ giảm dần, đến ngày 30/10/2005 còn 12.011 ca mà thôi!

Chi tiêu không minh bạch

Với kinh nghiệm của một bác sĩ có 17 năm tham gia công tác phòng chống AIDS ở TPHCM, bác sĩ Luyến lý giải nguyên nhân của tình trạng nhiễm HIV mới  đang ngày càng “leo thang” ở TPHCM. Đó là mạng lưới y tế dự phòng hầu như bị “buộc” phải đứng ngoài cuộc trước đại dịch AIDS.

Còn mạng lưới phòng chống AIDS trong ngành y tế từ quận, huyện xuống phường xã gần như không còn chức năng phòng chống AIDS theo đúng tên gọi, vì nó được biến tướng qua mô hình Trung tâm tham vấn (thuộc UBPC HIV/AIDS).

“Trừ vài quận có nhiều dự án như quận 1, 2, 4, 6, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức nhưng  dự án cũng chỉ hoạt động theo dự án, kết quả chưa tương xứng với kinh phí được phân bổ. Trong khi đó hoạt động thường xuyên theo quy định cũng bị bỏ rơi” - bác sĩ Luyến cho biết.

Thậm chí, nhiều lần Trung tâm YTDP TPHCM muốn tham gia đúng chức năng của mình đều bị UBPC HIV/AIDS “loại” khỏi cuộc chơi. Các kế hoạch của cơ quan này gửi trình đều không được phản hồi. Kinh phí hoạt động bị cắt gần hết và khi được cấp thì cũng rất nhỏ giọt.

Cụ thể, năm 2006, Trung tâm YTDP TPHCM chỉ còn hưởng được kinh phí bồi dưỡng kiêm nhiệm, còn kinh phí giám sát được thực hiện từ tháng 5 - 9 thì đến giữa tháng 12/2006 mới được cấp.

Tại Hội trại phòng chống AIDS được tổ chức bởi UBPC HIV/AIDS mới đây, Trung tâm YTDP nộp đơn xin tham gia thì được bảo là hết chỗ. Các dự án về phòng chống AIDS của Bộ Y tế giao cho Trung tâm YTDP làm thường trực cũng bị UBPC HIV/AIDS…thôn tính.

Điều nghịch lý là, khi Trung tâm YTDP ngày càng bị “co” lại thì UBPC HIV/AIDS ngày càng “phình” ra, can thiệp sâu vào những công việc đáng lẽ thuộc chức năng Trung tâm YTDP.

Trong cuộc “đối chất” với Trung tâm YTDP, chính ông Lê Trường Giang thừa nhận: Công việc ban đầu ở UBPC HIV/AIDS chỉ có mỗi mình ông nhưng sau này số nhân sự đã tăng lên đến 100 người làm công tác văn phòng, trong đó có 30 người chỉ nhận lương và làm mỗi việc…đi thu thập báo cáo (!?).

Mặt khác, bác sĩ Luyến cho biết, việc chi tiêu của UBPC HIV/AIDS TPHCM không rõ ràng: Báo cáo của UBPC HIV/AIDS cho các cơ quan có thẩm quyền ở TPHCM như:

Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND trong năm 2005 rất sơ sài, có tính chất chung chung, chiếu lệ như… phải chi cho việc thực hiện kế hoạch hồi gia năm đầu tiên (2005) là 800.000 USD (khoảng 12,5 tỷ đồng) và chi để chăm sóc chữa trị người nhiễm HIV tái hòa nhập cộng đồng khoảng 5 triệu USD/năm kể từ năm 2006 (hơn 75 tỷ đồng).

Không chỉ có thế, ở một tài liệu cho thấy, năm 2004, UBPC HIV/AIDS TPHCM báo cáo chi cho dự án DFID (dự án phòng lây nhiễm) là 2 tỷ đồng do nguồn kinh phí rót từ Ban quản lý dự án Trung ương.

Nhưng trên thực tế số tiền đã được chuyển vào tài khoản của UBPC HIV/AIDS TPHCM đã hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên theo ông Lê Trường Giang, đến thời điểm này, dự án DFID mới được chi có… 482,2 triệu đồng và đã quyết toán.

Song một báo cáo cũng do ông Lê Trường Giang ký lại cho rằng, ở dự án DFID, có một phần chưa được quyết toán. Đó là hoạt động khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục lưu động cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao trong năm 2004. Việc báo cáo không thống nhất thể hiện việc chi tiêu tài chính không minh bạch, rõ ràng.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.