Khởi nghiệp từ giảng đường:

Bài 1: “Ông chủ” nón lá xơ dừa và khát vọng chinh phục

Nguyễn Phúc Sang (ở giữa) cùng các cộng sự thuyết trình về dự án “Nón làm từ xơ dừa” tại cuộc thi“ Ý tưởng kinh doanh - Business ideas 2017” Ảnh: NVCC
Nguyễn Phúc Sang (ở giữa) cùng các cộng sự thuyết trình về dự án “Nón làm từ xơ dừa” tại cuộc thi“ Ý tưởng kinh doanh - Business ideas 2017” Ảnh: NVCC
TP - Song song việc học, nhiều sinh viên rất năng động khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp từ ngay còn khi ngồi trên ghế giảng đường và truyền ngọn lửa đam mê khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng sinh viên.

Đang là sinh viên năm thứ 3 khoa Quản trị kinh doanh, trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, Nguyễn Phúc Sang đã là “ông chủ” một công ty chuyên sản xuất nón lá xơ dừa, mang sản phẩm dân dã quê hương chinh phục thị trường thế giới.

Biến xơ dừa thành sản phẩm du lịch
Sinh ra và lớn lên ở miền quê dừa Bến Tre. Từ nhỏ, Nguyễn Phúc Sang đã biết làm các công việc liên quan đến chế biến dừa, trong đó có việc chế biến xơ dừa thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Mặc dù đây là ngành nghề truyền thống của Bến Tre nhưng bản thân gia đình Sang cũng như nhiều người dân nơi đây vẫn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ hộ gia đình. “Xơ dừa chủ yếu xuất khẩu thô với giá rất rẻ, 4 nghìn đồng/kg nhưng vẫn bị thương lái ép giá”, Phúc Sang cho biết.

Trong một lần phụ giúp bố mẹ làm đơn hàng chậu xơ dừa để trồng lan, nhưng không may chuyến hàng đó bị hư hỏng trong lúc vận chuyển, Sang chợt nảy ra ý tưởng biến xơ dừa thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch. Nghĩ là làm, Sang bắt tay vào làm sản phẩm demo chiếc nón từ xơ dừa phục vụ du lịch nhưng giấu kín gia đình. Chưa có thiết bị hỗ trợ, sản phẩm đầu tay, Sang làm hoàn toàn thủ công. Cậu dùng một chiếc nồi gang, đốt than hoa phía dưới rồi ép xơ dừa thành cái nón bằng bàn tay. Hoàn thiện sản phẩm, Sang mới mang khoe với gia đình và chia sẻ về ý định biến tấu xơ dừa thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu Bến Tre.

Cũng thời điểm đó, trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM phát động cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh - Business ideas 2017”. Lúc đó, mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất, Sang quyết định đăng ký tham gia cuộc thi với dự án nón làm từ xơ dừa. “Lúc đó, em mới là sinh viên năm thứ nhất, rất non nớt về kinh nghiệm và kỹ năng để hoàn thiện một dự án startup. Nhưng vì mong muốn phát triển sản phẩm quê hương thành một thương hiệu nên em cứ làm liều”, Sang chia sẻ.

 “Nón làm từ xơ dừa” của Sang lọt vào vòng chung kết tranh tài với hơn 70 dự án khác. Bước vào vòng chung kết, Sang nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các thầy cô giáo trong trường cũng như cố vấn, giám khảo cuộc thi để hoàn thiện dự án một cách chuyên nghiệp hơn. 

Bài 1: “Ông chủ” nón lá xơ dừa và khát vọng chinh phục ảnh 1 Những sản phẩm của do công ty của Sang sản xuất

“Hôm thi chung kết, lúc em đang thuyết trình dự án trên sân khấu, MC chợt cắt ngang thông báo: “Có 4 doanh nghiệp quyết định hỗ trợ, đầu tư dự án “Nón làm từ xơ dừa”. Cả hội trường ồ lên. Em cũng sướng quá, thuyết trình dự án càng máu lửa”, Phúc Sang nhớ lại. “Nón làm từ xơ dừa” đã xuất sắc giành giải quán quân cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh - Business ideas 2017”.

Chinh phục thị trường thế giới
Tính đến thời điểm này, sản phẩm nón làm từ xơ dừa của công ty Phúc Sang đã bao phủ thị trường tỉnh Bến Tre và có 8 đại lý tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, sản phẩm đã vươn ra thị trường thế giới, gồm: Bỉ, Úc, Tây Đức, Hawai… Các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã chấp nhận sản phẩm.

Theo tiết lộ của vị giám đốc trẻ, chỉ tính riêng thị trường quốc tế, mỗi tháng đã xuất đi 1 container 40 fít, tương đương khoảng 50.000 - 60.000 chiếc nón. Sang cho rằng, việc thuyết phục được thị trường quốc tế là do sản phẩm thân thiện với môi trường. Chiếc nón có thiết kế lạ mắt, được làm hoàn toàn từ thiên nhiên, không độc hại cho cả người sản xuất lẫn người sử dụng. “Nón làm từ xơ dừa trải qua 5 công đoạn sản xuất, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Keo kết dính xơ dừa do em tự pha chế theo tỷ lệ phù hợp giúp chiếc nón kháng nước. Màu cũng được pha chế từ nguyên liệu thiên nhiên. Sản phẩm có thể giặt, không bị phai màu, tuổi thọ cao hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường”, Sang cho biết.

Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, nón làm từ xơ dừa được thiết kế kiểu dáng độc đáo, trang trí bằng vỏ sò, ốc, họa tiết từ gáo dừa hoặc thuê nghệ nhân vẽ áo dài lên nón. Giá thành mỗi sản phẩm dao động từ 100-200 nghìn đồng/nón.

Truyền lửa khởi nghiệp 
Với sự năng động, sáng tạo, và niềm đam mê khởi nghiệp, chàng trai trẻ Nguyễn Phúc Sang đang trở thành niềm cảm hứng, truyền lửa khởi nghiệp cho các bạn sinh viên trong trường. Tháng 11/2017, CLB Startup Business trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM thành lập do Nguyễn Phúc Sang làm chủ nhiệm. CLB sinh hoạt theo hình thức: Training kinh nghiệm hình thành dự án cơ bản; phát triển ý tưởng mang đi dự thi và kết nối dự án khởi nghiệp với nhà đầu tư để được tư vấn, hỗ trợ phát triển.

Đến nay, sau một năm thành lập, CLB Startup Business đã có 7 dự án tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp, trong đó có 5 dự án lọt vào vòng chung kết, 2 dự án đang hoàn thiện phát triển ra thị trường.

Hỏi Sang, bận rộn với công việc kinh doanh và CLB như vậy, thời gian đâu để học, Sang cười tươi: “Ôi, em khoái học lắm, bởi mỗi bài học em biết mình học để vận dụng vào đâu, như thế nào, chứ không phải là lý thuyết suông”. Kết quả 2 năm học vừa qua, Sang đạt loại khá giỏi.
(Còn nữa)

“Mục tiêu trong 1-3 năm tới là đưa “Nón làm từ xơ dừa” trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ số 1 Việt Nam, mang nhãn mác “made in Việt Nam” chinh phục, mở rộng thị trường nước ngoài. Mục tiêu xa hơn là thành lập làng nghề Bến Tre để những người sản xuất dừa và sản phẩm từ dừa phát triển một cách chuyên nghiệp, bài bản”.
Nguyễn Phúc Sang, 
Giám đốc Công ty Phúc Sang Handcrafts

Sản phẩm hướng đến giá trị cộng đồng
“Nón làm từ xơ dừa” xuất sắc giành giải quán quân cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh - Business ideas 2017. Phúc Sang cho rằng, điểm cộng của dự án để thuyết phục được ban giám khảo và các nhà đầu tư đó là “Nón làm từ xơ dừa” không chỉ dừng lại ở mục đích lợi nhuận mà còn hướng đến giá trị cộng đồng. Ngay sau khi cuộc thi kết thúc, dự án nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư phát triển một cách nhanh chóng. Tháng 11/2017, Công ty Phúc Sang Handcrafts thành lập do Nguyễn Phúc Sang làm giám đốc, nhân viên chủ yếu là các bạn sinh viên năm 2, năm 3.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.