Bác sỹ trẻ bỏ phố lên rừng

TP - Tôi hỏi Dương Mạnh Huy: “Cớ sao lại bỏ phố lên rừng? Phải chăng anh muốn chạy trốn tình yêu như trong nhạc phẩm nổi tiếng của Châu Kỳ?”. Bác sỹ 9x cười, đáp: “Tôi đi vì tôi thích. Đơn giản vậy thôi”.

Nếu chịu khó lướt mạng xã hội, sẽ thấy nhiều bạn trẻ hiện nay đang chuộng mấy câu thơ: “Tôi hỏi lũ sâu xanh/Lá có gì mà thích/Lũ sâu cười khúc khích/Thích đâu cần lí do”. Cho nên, đừng hỏi vì sao một bác sỹ trẻ tương lai rộng mở như Dương Mạnh Huy thích việc gian khó: Đến vùng đất xa xôi nhất nhì tỉnh Cao Bằng để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Khi đang là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Y Hà Nội, Dương Mạnh Huy biết đến dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn” (Dự án 585). Nhiều bạn bè cùng học với Huy không mặn mà với dự án, họ ngại nhiều nỗi: Sợ đến những vùng sâu xa, khó khăn sẽ không còn cơ hội để trở về thành phố hoặc sợ tay nghề mai một, mất cơ hội học tập, trở về miền xuôi không theo kịp đồng nghiệp… Dương Mạnh Huy nghĩ khác, anh tìm thấy sự đồng cảm trong bài ca quen thuộc: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ sẽ dành phần ai?”. Kết thúc 6 năm học ở Trường Đại học Y Hà Nội, cộng thêm 2 năm chuyên khoa theo hình thức cầm tay chỉ việc một thầy, một trò của dự án 585, bác sỹ trẻ khăn gói lên Cao Bằng nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc.

Tôi hỏi Dương Mạnh Huy, đã từng tới huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng chưa? Huy “khai” thật: “Tôi chưa từng tới Bảo Lạc bao giờ. Khi quyết định theo dự án, nhìn trong danh sách 62 huyện nghèo thấy tên “Bảo Lạc” quen quen, nên tôi chọn”. Trước khi nhận nhiệm vụ khoảng 3 tháng, Huy tự lần mò đến Bảo Lạc, theo chỉ dẫn của một người đồng môn. Ấn tượng đầu tiên của Huy khi đến với huyện nghèo của một tỉnh biên giới chính là giao thông khó khăn: “Tôi lên Cao Bằng đúng ngày mưa bão”.

Từ Hà Nội, Huy ngồi ô tô hơn 10 giờ đồng hồ mới tới nơi: “Tôi choáng quá. Tự hỏi: Sao lại có một vùng đất xa xôi đến thế? Đường đi gian nan đến thế? Xe đảo liên hồi, tôi vơ vất say, rồi bất ngờ hiện ra cảnh sạt lở. Tôi nhìn thấy một cái cột lạ kỳ. Nó như được treo lơ lửng trên không trung. Bác tài xế tò mò lái xe sát lại, ngó đầu xuống vực quan sát, khiến những người lần đầu đến với Bảo Lạc như tôi trong phút chốc cảm giác ớn lạnh”.

Nhưng đường sá xa xôi, hiểm trở, tiện ích phục vụ cuộc sống còn hạn chế không làm nhụt chí bác sỹ trẻ, bởi anh xác định: “Dù tôi có đến huyện nào trong 62 huyện nghèo của cả nước, cũng phải vài tháng mới về nhà một lần. Cho nên gần hay xa không quan trọng, quan trọng là có làm được việc, đáp ứng được yêu cầu đặt ra hay không”. Thấm thoắt, Dương Mạnh Huy đã gắn bó với mảnh đất nghèo hơn một năm.

Những kỷ niệm vui, buồn

Bác sỹ trẻ bỏ phố lên rừng ảnh 1
 
Bác sỹ trẻ bỏ phố lên rừng ảnh 2 Dương Mạnh Huy khám cho sản phụ người dân tộc thiểu số

Từ ngày 31/1/2018 đến ngày 31/12/2018, trong vòng 11 tháng, Dương Mạnh Huy đã tham gia hơn 300 ca mổ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc, trong đó anh mổ chính khoảng 179 ca. Ban đầu, Huy bỡ ngỡ và lo lắng, bởi trước đây, trong quá trình học ở Hà Nội, khi anh vào phòng mổ, luôn có các thầy cô hoặc những bác sỹ giàu kinh nghiệm đứng sau, sẵn sàng hỗ trợ. Nhưng đặt chân đến Bảo Lạc, Huy không còn những “bệ đỡ” đằng sau. Đã vậy, anh còn buộc phải biến mình trở nên “đa-zi-năng”: “Sản ngoại là chuyên môn chính của tôi nhưng ở đây tôi phải trực đa khoa. Những chuyên ngành như Nhi, Nội, Truyền nhiễm… tôi không được đào tạo chuyên sâu, nên không khỏi lo lắng”. Song nhờ lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện giúp đỡ, anh em đồng nghiệp thân thiện, sẵn sàng hỗ trợ nên Huy mau chóng thoát khỏi nỗi lo ban đầu, thích nghi dần công việc, lấy lại tự tin.

“Quyết định lên miền núi là đúng. Bởi tôi được làm việc mình thích, thấy mình cống hiến được nhiều hơn so với khi ở miền xuôi. Những ca bệnh nặng được chẩn đoán đúng, xử lí kịp thời khiến bệnh nhân vui, tôi cũng quên đi mệt nhọc”.     

 Bác sĩ Dương Mạnh Huy

Huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng là mảnh đất sinh sống của nhiều anh em dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Dao, Mông, Lô Lô… Do những hạn chế về điều kiện sống và hiểu biết, nên đồng bào có những thiệt thòi trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Huy thương người dân ở huyện nghèo và càng nỗ lực để những ca mổ thành công cao nhất. Hơn một năm nhận công tác ở Bảo Lạc đã để lại trong anh những kỷ niệm khó quên:  “Một hôm chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân. Anh ấy đi chăn bò bị bò kéo ngã, bụng va vào một thành cây.

Dù vô cùng đau đớn nhưng anh không đến bệnh viện, cho đến khi đau không thể chịu nổi, anh mới đến với chúng tôi. Lúc ấy bác sỹ siêu âm đi vắng, bác sỹ khoa ngoại nhờ tôi siêu âm. Khi tiến hành siêu âm tôi ngạc nhiên thấy trong bụng người đàn ông này rất nhiều dịch, cảm giác như dịch máu. Bệnh nhân đau nhiều. Tôi mời hội chẩn, sau chục phút, chúng tôi đưa bệnh nhân lên phòng mổ. Đó là ca vỡ lách và có một vết rách nhẹ ở gan, trong ổ bụng bệnh nhân có hơn 3 lít máu. Tôi vô cùng sốc, nếu ca đó bệnh nhân ở nhà thêm một ngày nữa thì khó qua khỏi cơn nguy hiểm. Chúng tôi mổ hơn 2 tiếng. Bất ngờ ở chỗ, bệnh nhân hồi phục rất nhanh, 7 ngày sau đã ra viện”.

Là bác sỹ sản nên Dương Mạnh Huy có nhiều kỷ niệm vui, buồn với chị em phụ nữ nơi đây. Thoạt đầu, nhiều chị em ngại khi trông thấy bác sỹ là một chàng trai trẻ. Một số bệnh nhân dù đau đẻ vẫn không cho khám, Huy phải gọi cả chồng của bệnh nhân vào phòng  giải thích, thuyết phục mãi, họ mới đồng ý để bác sỹ trẻ được làm nhiệm vụ. Vì đồng bào chủ yếu giao tiếp bằng tiếng dân tộc nên Huy luôn phải có một đồng nghiệp hỗ trợ phiên dịch. Song không phải lúc nào người phiên dịch và bệnh nhân cũng hiểu đúng ý nhau.

Ngày đầu tiên đi làm, Huy đã gặp một “ca” dở khóc, dở cười: “Cô ấy đến bệnh viện trong tình trạng đau nhiều, dấu hiệu trở dạ rõ rệt, chúng tôi không kịp làm bệnh án. Đồng nghiệp giúp tôi hỏi sản phụ đôi điều, bằng tiếng Tày: “Lần sinh nở này của cô là lần thứ mấy?”. Bệnh nhân không đáp, chỉ giơ 2 ngón tay. Nhưng khi đỡ ra một em bé, tôi vẫn thấy bụng cô rất to, sờ tay vào thấy còn một cái thai nữa. Chúng tôi chuẩn bị tinh thần cho ca đẻ lần 2 hóa ra lại là ca đẻ lần đầu mang song thai”, anh cười vui vẻ.

Nhưng có những chuyện khiến bác sỹ trẻ ám ảnh khôn nguôi, một sản phụ có bệnh trong người, mang song thai, gần tuần sinh, cơn đau đổ xuống song chị nhẫn nại chịu đau ở nhà gần một tuần, không nhập viện, bởi nhà chị ở quá xa. Đến khi người nhà chuyển chị đến viện, bằng mọi nỗ lực, bác sỹ cũng chỉ giữ được một thai: “Giá như sản phụ xuống viện sớm hơn vài ngày thì có thể đã giữ được cả hai em bé”, giọng anh chùng xuống.

Được cảm thông nỗi vất vả

Chưa lúc nào Dương Mạnh Huy hối hận vì tình nguyện đăng ký lên vùng cao: “Quyết định lên miền núi là đúng. Bởi tôi được làm việc mình thích, thấy mình cống hiến được nhiều hơn so với khi ở miền xuôi. Những ca bệnh nặng được chẩn đoán đúng, xử lí kịp thời khiến bệnh nhân vui, tôi cũng quên đi mệt nhọc”. Đến hết tháng 1 năm 2021, Dương Mạnh Huy sẽ tạm biệt Bảo Lạc, trở về xuôi. Anh vẫn còn gắn bó với vùng cao 2 năm nữa: “Tôi rất thích ở đây.

Nếu chỉ sống cho bản thân thì Bảo Lạc là lựa chọn tuyệt vời. Con người nơi đây thân thiện, tình cảm, đồ ăn ngon, không khí trong lành”. Anh nói thêm: “Đặc biệt bệnh nhân ở đây thấu hiểu nỗi vất vả của người làm nghề như chúng tôi, họ đặt trọn niềm tin vào bác sỹ, không một lời phàn nàn, không một ý trách móc”. Quà của bệnh nhân nơi đây dành cho bác sỹ tuy không nặng về vật chất nhưng chứa chan tình cảm, đó là những loại hoa quả theo mùa, “của nhà trồng được”. Huy kể say sưa một vài loại quả đặc trưng của huyện Bảo Lạc như lê và mận máu.  Hai loại quả này trồng ở đất Bảo Lạc ngon không đâu sánh bằng.

Tết đầu tiên ở xứ hoa lê, hoa mận

Dù chưa thể giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số nhưng Dương Mạnh Huy vẫn được nhiều người dân nơi đây quí mến. Họ không gọi tên anh mà gọi anh là “bác sỹ trẻ”. Khi anh đi chợ phiên, một số người nhận ra và nhất định đòi giảm giá cho bác sỹ trẻ.

Anh đã đón cái tết đầu tiên ở xứ hoa lê, hoa mận. Dù sống và làm việc ở một môi trường thân thiện song nỗi nhớ nhà trong ngày tết không sao tránh được. Huy nhớ mẹ, nhớ em trai. Anh đã mồ côi cha 15 năm nay, ông qua đời vì một tai nạn giao thông, để lại người vợ côi cút tần tảo nuôi hai con khôn lớn.

MỚI - NÓNG