“Tôi trực mấy ngày Tết”
Bác sĩ Lê Phong năm nay 66 tuổi, tóc đã ngả màu bạc. Nhà ông ở sát Bệnh viện Nội tiết T.Ư. Hai vợ chồng ông cùng hành nghề y đã nhiều năm. “Ngay từ khi dịch bắt đầu, phường đã đến vận động nếu tình hình căng thẳng thì ra giúp sức.
Đến tháng 12 vừa rồi, phường thành lập Trạm Y tế lưu động, mình chính thức tham gia cùng với lớp trẻ”, ông Phong nói. Ông là một trong ba bác sĩ của Trạm Y tế lưu động phường Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội), làm nhiệm vụ hỗ trợ, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly tại nhà trên địa bàn.
Đợt trước, vợ ông cũng tình nguyện tham gia hỗ trợ chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19. “Đợt này tôi tham gia thôi, bà ấy ở nhà lo nhà cửa, gia đình”, ông Phong nói. Trong câu chuyện với phóng viên, ông Phong cứ tấm tắc khen ngợi bác sĩ trẻ tên Huy, cùng được tăng cường ở Trạm Y tế lưu động với ông đợt này.
Ông bảo, nửa đêm hôm trước, có trường hợp F0 cần tư vấn, thăm khám, ngay lập tức cả ê kíp bác sĩ, nhân viên Trạm Y tế lưu động vừa đi lấy vật tư y tế, vừa vận chuyển đến nhà bệnh nhân để hỗ trợ kịp thời dù cho thời tiết giá lạnh. Trạm có 3 bác sĩ, chia thành 3 ca sáng, trưa và đêm. Điện thoại của ông Phong và các bác sĩ, nhân viên y tế lúc nào cũng mở để có thể tư vấn cho người dân, bệnh nhân trong phường.
Ngoài tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở phường Thịnh Quang, Hà Nội, bác sĩ Lê Phong còn tư vấn, hỗ trợ nhiều trường hợp về nội tiết, đái tháo đường qua mạng xã hộiẢnh: Trường Phong |
“Mình mấy chục năm hoạt động y tế, cả ở bệnh viện, cả ở cộng đồng, nhưng lần này, tham gia hoạt động ở Trạm Y tế lưu động mới thấy cảm phục các nhân viên y tế mùa dịch. Mọi người làm việc không kể ngày đêm”, ông Phong nói. Bản thân ông cũng học hỏi được nhiều điều, cảm thấy xúc động khi những người trẻ cống hiến sức lực, nhiều khi quên ăn, quên ngủ để tư vấn, hỗ trợ điều trị F0. “Mình có kinh nghiệm, nhưng sức khỏe không còn như ngày xưa.
Anh em còn trẻ, năng nổ, nhiệt huyết, tinh thần hăng hái khác hẳn”, ông Phong nói. Theo chân ông, chúng tôi đến nơi đặt trụ sở Trạm Y tế lưu động phường Thịnh Quang, thấy bác sĩ Huy đang gọi cho các trường hợp F0 được ghi nhận ngày hôm trước trong phiên trực của mình. Anh Huy hỏi về tình hình sức khỏe, cần theo dõi chỉ số cụ thể, có vấn đề gì thắc mắc thì kết bạn qua Zalo với anh để anh tư vấn thêm. Anh Huy còn trẻ, được người ở Trạm Y tế lưu động quý mến vì nhiệt tình và trách nhiệm.
Anh đang là bác sĩ tại một bệnh viện lớn, có mở phòng khám ở phường nên tham gia giúp phường khi được huy động. Để thuận lợi trong hoạt động, Trạm Y tế lưu động phường Thịnh Quang đặt ra nội quy, phân lịch trực, ca kíp chi tiết, giao ban định kỳ. Phó Chủ tịch UBND phường Trần Thị Tuyết đóng vai trò chỉ đạo, giao ban với trạm. Bà Tuyết bảo, phường đang điều trị trên 100 F0 tại nhà; trước tình trạng nhân lực y tế mỏng, phường huy động các bác sĩ về hưu, bác sĩ phụ trách các phòng khám trên địa bàn tham gia phòng, chống dịch. “Các bác sĩ và tất cả anh em ở Trạm Y tế lưu động, cán bộ phường được tăng cường sang đều rất nhiệt tình và tâm huyết”, bà Tuyết nói. Phường cũng vận động các nhà thuốc trên địa bàn bố trí tăng cường cho phường các dược sĩ, làm nhiệm vụ vận chuyển, phân phối thuốc điều trị COVID-19 cho các F0 điều trị tại nhà.
Hà Nội hiện ghi nhận gần 3.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế ở cơ sở. Thành phố vì thế đề nghị các địa phương huy động thêm lực lượng y bác sĩ nghỉ hưu, y tế tư nhân tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống COVID-19.
Trong cuộc giao ban, thỉnh thoảng ông Phong, anh Huy lại phải ra ngoài nghe điện thoại để tư vấn cho người bệnh COVID-19. Trước tình huống một số dược sĩ trẻ đang hỗ trợ phường phải về quê dịp Tết, cán bộ phường xung phong chịu trách nhiệm công việc thay. Bác sĩ Huy cũng trao đổi, mấy ngày Tết phải có lịch trực ở cơ quan. Bác sĩ Phong nói: “Nếu các bác sĩ bận, nhà tôi ở gần đây, tôi sẽ đảm nhiệm công việc trong mấy ngày Tết”.
Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Bác sĩ Huy tư vấn cho người bệnh tại Trạm Y tế lưu động phường Thịnh Quang Ảnh: Trường Phong |
Âm thầm, lặng lẽ
20h ngày thứ 7, chương trình chia sẻ trực tuyến tư vấn chăm sóc bệnh nhân COVID-19 qua phần mềm Zoom của nhóm bác sĩ, chuyên gia ở quận Cầu Giấy, Hà Nội bắt đầu. Chủ trì các buổi chia sẻ trực tuyến này là bà Nguyễn Kim Thoa, bác sĩ chuyên khoa cấp 1 ngành Nội khoa, nguyên là chuyên viên Phòng Y tế quận Cầu Giấy và dược sĩ Nguyễn Thị Tô Hà, Phó trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy. Nhóm của bác sĩ Thoa và dược sĩ Hà quy tụ khá nhiều bác sĩ, dược sĩ có kinh nghiệm phòng chống COVID-19, đến từ các bệnh viện lớn ở Hà Nội.
“Chúng ta bắt đầu nhé, mọi người nhớ mời thêm người nhà hoặc các trường hợp liên quan, quan tâm đến phòng chống COVID-19 vào tham gia, nghe cùng”, chị Hà nói trên Zoom. Theo chị Hà, mỗi tuần, nhóm tổ chức hai buổi chia sẻ trực tuyến, một buổi xoay quanh các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà; tư vấn tâm lý, kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn; một buổi chuyên về tập thở để thải khí độc, giúp bảo vệ phổi…
Một buổi chia sẻ trên Zoom của nhóm bác sĩ Kim Thoa và dược sĩ Tô Hà. Ảnh chụp lại màn hình |
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Thoa cho biết, bà nghỉ hưu từ năm 2019, thời điểm chưa xuất hiện COVID-19. Khi dịch bùng phát, thấy anh em cán bộ y tế vất vả, bà và các đồng nghiệp như chị Hà, một số bác sĩ, nhân viên y tế mở chương trình chia sẻ trực tuyến để hỗ trợ các trường hợp F1, rồi tư vấn tiêm vắc xin, điều trị F0 tại nhà.
Theo bà Thoa, dựa trên kinh nghiệm hàng chục năm hành nghề y, bằng những mối quan hệ của bản thân, bà và các đồng nghiệp trong nhóm mời những bác sĩ có chuyên môn cao, những người có kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 lên chia sẻ để hỗ trợ người bệnh. “Cũng không phải tự nhiên cứ thế lên nói, tư vấn mà phải cập nhật kiến thức mới, soạn thành nội dung bài cụ thể, hướng dẫn chi tiết. Cũng phải gác lại nhiều công việc gia đình, đặc biệt là các bác sĩ trẻ, làm việc ở các bệnh viện lớn”, bà Thoa nói.
Chị Hà cho biết, hiện nay nhóm vẫn tiếp tục duy trì 2 buổi/tuần, mỗi buổi 2 tiếng, chủ yếu chia sẻ, cập nhật thông tin mới, hỗ trợ tư vấn F0 điều trị tại nhà. “Có hôm nhiều nhất là cả trăm người vào nghe. Sau phần chia sẻ của các bác sĩ cung cấp kiến thức, kỹ năng, các trường hợp người bệnh F0, F1 có thắc mắc gì cũng sẽ được giải đáp trực tiếp”, chị Hà nói. Theo chị, ngoài giờ chia sẻ trực tuyến, người bệnh nếu có gì cần tư vấn cũng có thể liên hệ với các bác sĩ của nhóm. “Điện thoại của chúng tôi luôn mở 24/24”, bà Thoa nói.
Nói về động lực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, bà Thoa, chị Hà, ông Phong... đều có chung tâm niệm, bản thân có kiến thức, kỹ năng, lại hành nghề y lâu năm, giờ đến lúc cộng đồng cần, mình phải có nghĩa vụ, trách nhiệm hỗ trợ. Nói như ông Phong, với tay nghề của ông, nếu đi thăm khám bên ngoài, làm thêm cho chỗ này chỗ kia, ông hoàn toàn có thể kiếm đến tiền triệu mỗi tiếng, nhưng làm công tác hỗ trợ phòng, chống dịch, bản thân ông và mọi người không tính toán đến tiền công.
Ông Phong cũng đang duy trì nhóm trên Facebook, Zalo liên quan công tác chuyên môn sâu của ông về nội tiết, đái tháo đường để hỗ trợ cộng đồng. “Ai nhắn tin đến hỏi là mình cũng trả lời, tư vấn cho họ”, ông Phong nói. Chị Hà, bà Thoa cũng bảo, hoàn toàn lập chương trình chia sẻ trực tuyến vì tinh thần cống hiến cho cộng đồng, vì sức khỏe người bệnh. “Nếu sau này hết dịch, chúng tôi có lẽ sẽ tiếp tục duy trì nhóm chia sẻ trực tuyến này để hỗ trợ tư vấn cho các trường hợp mắc bệnh khác ở cộng đồng”, bà Thoa nói.