Bác sĩ giúp bạn trở thành người tiêu dùng sữa chua… thông thái

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bên cạnh giá trị dinh dưỡng, sữa chua còn có giá trị chữa bệnh tốt, nhất là các bệnh về đường ruột. Tuy nhiên, để sữa chua phát huy tác dụng, thì cần biết cách ăn một cách hợp lý, tư vấn của TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh Dưỡng quốc gia).

Vì sao sữa chua là một thực phẩm quý?

Sữa chua (yaourt) thực chất là sữa bò tươi hoặc sữa được pha theo công thức sữa tươi cho lên men. Trên thị trường có nhiều loại sữa chua (có đường, không đường,...). Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ các chất protein (với nhiều axit amin cần thiết, nhất là lysin), glucid, lipid, các muối khoáng (nhất là canxi) và vitamin, chủ yếu là vitamin nhóm B và A.

Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi (Lactobacillus acidophilus và Bifido bacterium), giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Có một số vi khuẩn trong sữa chua còn tạo ra kháng sinh có khả năng diệt các vi khuẩn có hại trong ruột.

Bác sĩ giúp bạn trở thành người tiêu dùng sữa chua… thông thái ảnh 1
Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao.

Vì vậy, có thể xem sữa chua là một vaccine tự nhiên để ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng của một số bệnh dạ dày, đường ruột phổ biến như: khó tiêu, ợ chua, viêm loét dạ dày... Với một số người sợ uống sữa (do cơ thể thiếu men lactose nên không chuyển hóa được đường lactoza trong sữa dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa) thì sữa chua ăn có thể giúp họ ngon miệng vì hầu như không gây khó chịu cho hệ tiêu hóa.

Bên cạnh công dụng tốt cho tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, sữa chua không đường còn được xem là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn giữ dáng, giảm cân. Với hàm lượng carbohydrate, protein ở mức vừa phải, lại được phân giải thích hợp, sữa chua vừa có tác dụng giảm đói vừa giúp duy trì lượng đường huyết ổn định. Ngoài ra, axit lactic trong sữa chua còn hỗ trợ ngăn ngừa sự xâm nhập và kiềm chế hoạt động của các loại vi khuẩn có hại cho da, giúp da mịn màng, tươi trẻ.

Tuy nhiên, như mọi sự trên đời, hướng dẫn sử dụng chuẩn khoa học bao giờ cũng là điều bạn cần biết, để không lãng phí một loại thực phẩm quý như thế này.

Tips… ăn sữa chua đúng cách

Không ăn sữa chua lúc đói bụng. Độ chua của dịch dạ dày cao sẽ tiêu diệt phần lớn các vi khuẩn có ích trong sữa chua. Đơn giản, trước khi ăn sữa chua, bạn hãy ăn chút bánh quy, hoa quả...

Không ăn sữa chua và uống thuốc cùng lúc. Các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt. Tốt nhất sau khi uống thuốc từ 2 - 3 giờ mới nên ăn sữa chua.

Nếu đang bị ho hay viêm họng, bạn lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh trước khi ăn chừng 10 phút. Có một số người do sợ lạnh đã quay vi sóng hoặc đun nóng sữa chua. Hành động này vô tình đã làm chết các vi khuẩn có ích trong sữa.

Người tiểu đường, thừa cân béo phì chỉ nên ăn sữa chua không đường.

Sau khi ăn sữa chua cần súc miệng và đánh răng thật sạch để tránh các vi khuẩn lactic trong sữa chua còn sót lại, làm hỏng men răng.

Những ai nên bổ sung sữa chua trong khẩu phần ăn hàng ngày?

Đối với người bị viêm loét dạ dày (đau dạ dày) thường phải dùng thuốc kháng axit nên làm cho vi khuẩn sinh hơi dồn lên, bụng trở nên ấm ách rất khó chịu. Sữa chua giúp cho người có bệnh này bụng hết sình hơi, ấm ách… nhờ khí được đẩy xuống và tính axit được phục hồi.

Với trẻ bị tiêu chảy hoặc biếng ăn, cho ăn sữa chua sẽ khỏi tiêu chảy là nhờ sữa chua lập lại cân bằng vi khuẩn ở ruột và chất kháng sinh lactocidine có trong sữa chua giúp việc điều trị tiêu chảy. Sữa chua dễ tiêu hóa nên rất phù hợp với trẻ biếng ăn. Cơ thể hấp thu sữa chua gấp 3 lần sữa tươi.

Với người uống kháng sinh dài ngày hoặc lạm dụng kháng sinh hệ vi khuẩn trong ruột bị mất cân bằng, dễ nhiễm bệnh. Sữa chua trong trường hợp này chính là cách “chữa bệnh không dùng thuốc”. vì nó hiệu quả trong việc lập lại cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột. Lưu ý, dùng sữa chua ngay sau đợt sử dụng kháng sinh chứ không phải trong khi dùng kháng sinh vì kháng sinh và men vi sinh hoặc sữa chua sẽ đối nhau. Trong khi kháng sinh đang tìm cách tiêu diệt vi khuẩn thì men vi sinh lại làm việc ngược lại là cung cấp thêm lợi khuẩn cho đường ruột, làm cản trở quá trình tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh.

Bác sĩ giúp bạn trở thành người tiêu dùng sữa chua… thông thái ảnh 2

Sữa chua kết hợp với trái cây tươi là một món ăn bổ dưỡng, lại khoái khẩu.

Nếu ăn sữa chua quá nhiều, thì sao?

Mặc dù là một thực phẩm ưu việt nhưng bạn cũng không nên lạm dụng sữa chua.

Gây khó tiêu : Sữa chua có chứa đường lactose, một loại protein khó tiêu. Với những người không dung nạp lactose hoặc những người gặp vấn đề về tiêu hóa nếu ăn nhiều sữa chua mỗi ngày có thể gây ra các triệu chứng như: đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, chuột rút hoặc tiêu chảy...

Gây béo phì: Mặc dù sữa chua có tác dụng duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, nhưng ăn quá nhiều sữa chua thì lại có thể gây ra béo phì bởi trong thành phần của sữa chua có chứa đường. Đồng thời, khi lựa chọn sữa chua, bạn nên chú ý tránh chọn loại có hàm lượng chất béo cao vì chúng có thể là nguyên nhân gây béo phì và các bệnh nguy hiểm khác như đái tháo đường, bệnh tim, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm...

Dị ứng: không phải ai cũng có thể uống được sữa. Vậy nên, nếu bạn là người bị dị ứng với sữa hoặc không hấp thụ được các chất có trong sữa thì tốt nhất nên tránh tiêu thụ sữa chua vì nó có thể gây ra tình trạng khó thở, phát ban, nôn mửa…

MỚI - NÓNG