Sáng nay, 30 - 12, ông Nguyễn Văn Xáng, phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm nay, số tiền thất thu lên đến gần một tỷ đồng. Trong đó, thất thu do bệnh nhân người dân tộc thiểu số không có thẻ bảo hiểm y tế 155 triệu đồng; do bệnh nhân lang thang, nghèo không có khả năng chi trả 310 triệu đồng và do bệnh nhân trốn viện 450 triệu đồng.
Ông Xáng cho biết, khi bệnh nhân đến viện, viện phải điều trị, nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông vào cấp cứu bệnh viện phải có trách nhiệm cấp cứu, chụp phim, xét nghiệm, phẫu thuật ngay. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân tự động bỏ về hoặc không có tiền thanh toán, bệnh viện cũng phải chấp nhận.
Nhiều trường hợp bệnh nhân có thẻ bảo hiểm phải cùng chi trả, nhưng bệnh nhân lại không có tiền. Một số trường hợp đồng bào người dân tộc, tên không trùng với thẻ, bảo hiểm không thanh toán.
“Thật không công bằng. Chúng tôi chi thuốc men điều trị ra trước, thanh toán bảo hiểm sau, nhưng bảo hiểm nói không đúng là họ không chịu. Chúng tôi mất tiền”, ông Xáng bức xúc.
Ông Nguyễn Tuân, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo quy định hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hiện nay ở hai huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn chỉ có 75% đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ.
Ông Nguyễn Tuân nói:“Nếu không thanh toán cũng gây khó khăn cho bệnh viện, nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán sẽ trái với quy định chế độ thanh toán”.
Bệnh viện quy định, bác sĩ, điều dưỡng nào để bệnh nhân trốn viện, không thanh toán viện phí mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị hạ thi đua, trừ lương. Biện pháp này gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa bày tỏ: “Người dân khó khăn, thất thu là khó tránh khỏi nhưng các cấp, ngành cần có những biện pháp để hỗ trợ cho người nghèo cùng chi trả. Có như vậy mới giảm nhẹ gánh nặng cho người bệnh”.
Theo Thái Bình
Sài Gòn Tiếp Thị