Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu. |
40 năm trước, vào đêm 18-12-1972, Không quân Mỹ đã mở màn chiến dịch Linebacker II, sử dụng pháo đài bay chiến lược B52 tấn công miền Bắc Việt Nam, trong đó, Thủ đô Hà Nội là trọng tâm đánh phá.
Trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, Không quân Mỹ đã sử dụng tới hàng chục ngàn tấn bom rải thảm nhằm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Đây là chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích đường không có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nhớ lại: Bác Hồ nói cuộc kháng chiến có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng chúng ta sẽ chiến thắng và khi thắng lợi sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác Hồ có những dự kiến rất sớm để đánh thắng B52. Năm 1965, Mỹ đem quân thả xuống Bến Cát, tây bắc Sài Gòn, Bác đã nói trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội. Sau 19 ngày Mỹ đem thả bom ở đèo Mục Giạ, tây bắc Quảng Bình, Bác lại nói ngày 19-7-1965: Dù Mũ có B57, B52 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng. Bác cũng nói Mỹ trước sau cũng sẽ thua, nhưng chúng chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội. “Các chú muốn bắt cọp phải vào hang.”
Quân chủng Phòng không – Không quân đã đưa trung đoàn tên lửa 238, 226 vào Vĩnh Linh, đã bắn dược B 52, từ đó rút kinh nghiệm, biên soạn sách cẩm nang đánh B52. Phương án tác chiến từ năm 1968 rồi tháng 9-1972, phương án đánh hoàn chỉnh và phổ biến xuống cho cán bộ, chiến sĩ, có quyết tâm dám đánh và quyết thắng. Cuối tháng 11-1972, phương án cuối cùng đánh B-52 đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn.
“Từ đó, chúng tôi lập kế hoạch đánh B52 và hoàn toàn chủ động. Đêm 18-12, lúc 19h15 phút, chúng tôi được tin B52 cất cánh từ Guam, toàn thể quân chủng và nhân dân sẵn sàng. 20h13 phút, tiểu đoàn 59 tên lửa thuộc trung đoàn 261 đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên, rơi ở cánh đồng Chuôm, Phủ Lỗ, Kim Anh (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Tiểu đoàn 77 thuộc trung đoàn 257 bắn rơi B52 tại chỗ. Đêm 18-12, toàn quân chủng và nhân dân đánh thắng B 52 trận đầu, lập nên Điện Biên Phủ trên không”, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu cho biết.
Mỗi đêm, 200 – 300 máy bay quần thảo bầu trời Hà Nội
Theo Trung tướng Phạm Tuân, B52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục ngàn km, mang tới 30 tấn bom, xen kẽ bom tấn, bom tạ, bom bi, một tốp 3 chiếc B52 có thể san bằng diện tích 2km2. Vì vậy, B52 được dùng để ném bom chiến lược các mục tiêu diện rộng sân bay, thành phố, trung tâm chính trị, bến cảng và khi bị đánh thì hầu như các mục tiêu bị phá hủy.
Trung tướng Phạm Tuân. |
Bom tấn phá hầm ngầm, bom tạ phá hầm trú ẩn, bom bi sát thương người khi không còn chỗ trú ẩn. Ngoài ra, B.52 còn sử dụng cả tên lửa, đồng thời, B.52 lại được bảo vệ bởi các máy bay tiêm kích đánh vào trận địa tên lửa, ném bom các sân bay không cho tiêm kích của ta cất cánh.
B.52 còn được bảo vệ bằng các máy bay chiến đấu, tiêm kích đánh chặn, đánh ngay vào mục tiêu như sân bay, trận địa tên lửa. Không quân phải có sân bay, tránh được máy bay F4 bảo vệ B.52, để có thể nhanh chóng tiếp cận. Vì vậy, không quân phải tập bay ở những sân bay ngắn, mới làm ở các nông, lâm trường, tập bay thấp, bay cao để có thể tiếp cận nhanh được B.52.
“Những thời điểm như vậy thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc, của không quân nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, và mệnh lệnh là khi B52 vào, phải cất cánh lên được để đánh. Điều này đòi hỏi ý chí, nhưng ý chí không đủ, ta phải sáng tạo. Ví dụ ta làm rất nhiều sân bay dự bị, hoặc cất cánh trên đường băng phụ. Thậm chí, có khi chúng tôi đeo thêm 2 quả tên lửa bổ trợ, khi đó máy bay có thể cất cánh trên đường băng chỉ 200 - 300m so với đường băng 1,5km thông thường.
Trong đêm đầu tiên, tôi xuất kích ngay sau khi F111 đánh sân bay nhưng vẫn cất cánh được. Sau 12h đêm địch đều đánh sân bay nhưng ta đều cất cánh được. Chúng ta dự đoán được những phức tạp, khó khăn của tình hình và khắc phục được”, Trung tướng Phạm Tuân cho biết.
Trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 193 B52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật, trung bình mỗi đêm đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B52, cao điểm lên đến 100 lượt B52. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ.
Như vậy, bầu trời Hà Nội, mỗi đêm có 200 -300 máy bay, có thể thấy mức độ đánh phá dày đặc như thế nào. Lúc đó, chúng tôi không sợ bị bắn rơi nhưng mỗi nơi bị chậm đi một chút, mình không đuổi được B52. Ví dụ, địch đánh vào sân bay, mình chậm đi một chút, trên đường máy bay yểm trợ đuổi mình chậm thêm chút… Nếu chậm một phút, máy bay B52 có vận tốc 900 km/h thì đã bay được 15 km, thế làm sao mà mình đuổi được!
Sáng ngày 10-12, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu (nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng Không - Không quân), Trung tướng Phạm Tuân (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phi công đoàn Không quân Sao Đỏ), Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa 57 - Sư đoàn Phòng không Hà Nội), Đại tá Nghiêm Đình Tích (nguyên Đài trưởng đài Radar P.35, Trung đoàn 291, Binh chủng Radar) đã chia sẻ với độc giả trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” tháng 12-1972. |
An Huy (tổng hợp)