Tạo chuyển biến ở thôn đặc biệt khó khăn
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Văn Ban - Trưởng thôn Cái Cặn, xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn cho biết, thôn Cái Căn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thôn có khoảng 90% người dân tộc, trong đó chủ là dân tộc Nùng. Cả thôn có hơn 230 hộ, với trên 980 nhân khẩu. Người dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp.
Theo ông Ban, thời gian qua, huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã đầu tư xây dựng nông thôn mới ở Cái Căn. Tính đến nay, thôn đã hoàn thành 13 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, nhà văn hóa thôn Cái Căn vừa xây dựng xong giúp bà con thuận lợi trong việc hội họp và triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao. Đường ngõ xóm trong thôn đã được bê tông hóa gần 50 %.
Xây dựng nông thôn mới giúp người dân vùng khó khăn của tỉnh Bắc Giang có cuộc sống tốt đẹp hơn |
Tương tự, ông Vũ Vương Chí - Trưởng thôn Thanh Trà, xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động cho hay, thôn Thanh Trà được xã chọn đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới để làm động lực cho các thôn khác làm theo. Thôn Thanh Trà thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thôn có hơn 160 hộ, với hơn 700 nhân khẩu, trong đó 30% đồng bào dân tộc (Cao Lan, Nùng, Dao…).
Ông Chí cho biết thêm, thôn Thanh Trà đã hoàn thành 7 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đường bê tông liên thôn đổ được 2 km. Hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thôn đã có quyết định vốn đầu tư, dự kiến xây dựng trong năm nay.
Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới, năm 2024, xã Hộ Đáp đăng ký thêm một tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Lũy kế tính đến hết năm 2023, xã Hộ Đáp đạt được 13/19 tiêu chí. Phấn đấu đến hết năm 2024, xã có 1 thôn đạt chuẩn nông thôn mới là (thôn Cái Cặn).
Tại huyện Lục Ngạn, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả giúp người dân xây dựng nông thôn mới |
Xã Hộ Đáp tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được của xã và các tiêu chí mà thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, xã Hộ Đáp phấn đầu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,9%, hộ cận nghèo giảm còn 14%, người dân tham gia BHYT đạt 100% dân số. Nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã Hộ Đáp hơn 2,7 tỷ đồng.
Cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới
Theo UBND huyện Lục Ngạn, huyện Lục Ngạn có 5 xã đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đó là xã Tân Sơn, Hộ Đáp, Đèo Gia, Cấm Sơn và Phú Nhuận. Tại xã đặc biệt khó khăn chọn một thôn để xây dựng nông thôn mới.
Kế hoạch năm 2024, huyện Lục Ngạn đặt mục tiêu có thêm 1 xã đạt nông thôn mới (xã Tân Sơn). Lũy kế huyện Lục Ngạn có 19/29 xã đạt nông thôn mới; có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Nam Dương, xã Giáp Sơn).
Mô hình trồng cây ăn quả giúp đồng bào dân tộc huyện Sơn Động xây dựng nông thôn mới |
Các xã đạt chuẩn tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và xây dựng kế hoạch thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn tiếp theo. Thôn nông thôn mới kiểu mẫu có thêm 3 thôn, gồm thôn Hòa Mục (xã Mỹ An), thôn Lam Sơn (xã Kiên Thành), thôn Quý Thịnh (xã Quý Sơn), lũy kế toàn huyện có 14 thôn. Năm 2024, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của huyện Lục Ngạn hơn 50 tỷ đồng.
Đối với huyện Sơn Động là huyện khó khăn nhất tỉnh Bắc Giang, năm 2024, huyện phấn đấu có 2 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (xã Đại Sơn và Vĩnh An), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 6/15 xã đạt 40% so tổng số xã trong toàn huyện.
Các xã còn lại hoàn thành ít nhất 1 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện Sơn Động phấn đấu đạt 250 tiêu chí, bình quân đạt 16,6 tiêu chí trên xã. Trong đó, số xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên 12 xã. Số xã đạt dưới 15 tiêu chí 3 xã (Lệ Viễn, An Lạc, Phúc Sơn), không có xã dưới 13 tiêu chí. Huyện Sơn Động phấn đấu có 6 thôn thuộc địa bàn các xã đặc biệt khó khăn đạt thôn nông thôn mới (thôn Kim Bảng, xã An Lạc; thôn Thanh Trà, xã Lệ Viễn; thôn Gà, xã Thanh Luận; thôn An Bá, xã An Bá; thôn Phe, xã Vân Sơn; thôn Đá Cối, xã Giáo Liêm).
Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang, năm 2024, một trong những mục tiêu của tỉnh là phấn đấu thực hiện thêm 12 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024, tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ ngay từ đầu năm, đề ra các giải pháp toàn diện, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện của địa phương; huy động, lồng ghép hiệu quả tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường trao đổi, phối hợp, ban hành chính sách triển khai thực hiện chương trình; vận động cán bộ, người dân tích cực tham gia thực hiện mục tiêu chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chủ động đánh giá và hoàn thiện hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu, thôn đạt chuẩn nông thôn mới, kiểu mẫu đầy đủ, kịp thời và đúng quy định.
Giải pháp trọng tâm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang là: phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị; nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; nhân rộng mô hình thôn nông thôn mới, kiểu mẫu; đẩy nhanh tiến độ đối với xã phấn đấu đạt chuẩn; nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn để phấn đấu nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.