Trời nhá nhem tối, ông Hoàng Công Huy – Trưởng thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên (một lãnh đạo tổ COVID cộng đồng của thôn), cùng các thành viên trong tổ vẫn cặm cụi bên đống giấy tờ để rà soát các trường hợp công nhân đến thuê ở trọ.
Dù thôn Núi Hiểu đã chuyển sang trạng thái bình thường mới nhiều tháng qua, nhưng tổ COVID cộng đồng vẫn duy trì hoạt động. Các thành viên kiểm tra việc khai báo y tế, kết quả giấy xét nghiệm COVID của công nhân ở bên ngoài đến thuê ở trọ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Ông Huy nhớ lại, thôn Núi Hiểu từng là tâm dịch của tỉnh Bắc Giang và của cả nước, với hơn 1.700 ca mắc COVID – 19, chủ yếu là công nhân ở trọ trong thôn. Khoảng giữa tháng 5, thôn Núi Hiểu có một vài người mắc COVID, sau đó tăng lên rất nhanh. Đúng lúc đó, tổ COVID cộng đồng ra đời để phục vụ công tác phòng chống dịch. Ban đầu, tổ COVID cộng đồng chủ yếu là cán bộ ban ngành, đoàn thể trong thôn, sau mở rộng thêm các thanh niên tình nguyện và chủ nhà trọ có uy tín, với số lượng 42 người.
“Thôn Núi Hiểu chỉ khoảng 1.000 người dân địa phương, nhưng có hơn 10.000 công nhân thuê ở trọ. Bởi vậy, việc lo cho đời sống của công nhân, người dân khi thực hiện phong tỏa để dập dịch là một bài toán không dễ dàng”, ông Huy chia sẻ.
Thành viên tổ COVID cộng đồng thôn Núi Hiểu mang lương thực, thực phẩm cho người dân bị phong tỏa |
Bà Nguyễn Thị Sản, một người dân ở thôn Núi Hiểu không kìm được những giọt nước mắt khi nhớ lại những việc làm của tổ COVID cộng đồng. Sáng sớm hôm ấy, bà nhận được điện thoại gọi ra cổng để lấy lương thực, thực phẩm cho gia đình và công nhân ở trọ trong thời gian cách ly với xã hội.
“Các thanh niên tình nguyện là thành viên tổ COVID cộng đồng mang gạo, rau xanh, trứng… giúp gia đình tôi và công nhân ở trọ yên tâm ở yên trong nhà khi phong tỏa để chống dịch. Giữa lúc dịch căng thẳng, việc làm nghĩa tình này khiến chúng tôi rất xúc động”, bà Sản vội lau những giọt nước mắt.
Anh Lê Đức Thu – Bí thư Chi đoàn thôn Núi Hiểu, một trong những thành viên tích cực của tổ COVID cộng đồng chia sẻ, thôn có hơn 20 thanh niên tham gia tổ COVID cộng đồng. Lúc dịch bùng phát, những thanh niên tình nguyện này đảm nhận việc chở lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân, nhà trọ trong thôn và thực hiện việc phun khử khuẩn.
Ông Huy ngồi cạnh bên cho biết thêm, các thành viên trong tổ COVID cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truy vết các trường hợp liên quan F0, kịp thời phát hiện người có biểu hiện ho, sốt hoặc khai báo ý tế gian dối để thông báo cơ quan chức năng. Đồng thời, tổ COVID cộng đồng còn đóng gói lương thực, thực phẩm từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ để thanh niên tình nguyện vận chuyển đến phòng trọ, nhà dân và hỗ trợ cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm.
Dù chuyển sang trạng thời bình thường mới, nhưng tổ COVID cộng đồng thôn Núi Hiểu vẫn hoạt động để phòng chống dịch |
“Gần 2 tháng trời dịch bùng phát, tổ COVID cộng đồng của thôn làm việc từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Nhiều người ăn ngủ luôn ở nhà văn hóa thôn để thuận tiện làm việc với mong muốn nhanh dập được dịch”, ông Huy chia sẻ.
Ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận tỉnh Bắc Giang đánh giá, một trong những nhân tố giúp tỉnh Bắc Giang dập dịch thành công là nhờ tổ COVID cộng đồng. Tính đến nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 11.000 tổ COVID cộng đồng đang hoạt động, với khoảng 40.000 thành viên.
Theo ông Thịnh, kinh nghiệm thành công của tỉnh Bắc Giang là cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đồng thời động viên, lựa chọn được người có uy tín, những thành viên tích cực, tự nguyện, có trách nhiệm, có tinh thần cống hiến ở khu dân cư tham gia vào các tổ, nhóm COVID cộng đồng. Tổ COVID cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp thông tin tình hình dịch và thường xuyên kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm, phát hiện những cách làm mới, sáng tạo, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và định hướng hoạt động.
“Trong đợt cao điểm phòng chống dịch vừa qua ở Bắc Giang, gần 70.000 công nhân được các thành viên của các tổ COVID cộng đồng đảm bảo lương thực thiết yếu đến tận nhà trọ trong hơn 30 ngày phong tỏa, trong đó có nhiều công nhân mang bầu, nuôi con nhỏ. Tình làng, nghĩa xóm, tình thương yêu được nảy nở trong dịch thông qua hoạt động của tổ COVID cộng đồng”.
Ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận tỉnh Bắc Giang