Sáng 18/5, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Các tỉnh, thành có dân số đông, đang là điểm nóng về dịch bệnh đã có những báo cáo nhanh về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử.
Tại Bắc Giang: Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử tỉnh cho biết, khó khăn nhất của Bắc Giang hiện nay là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp.
Đến 0 giờ sáng nay, tỉnh Bắc Giang đã phải quyết định cho dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp lớn, cách ly xã hội huyện Việt Yên, một huyện lớn có trên 200 nghìn dân và trên 100 nghìn công nhân đang lưu trú trên địa bàn huyện này và 3 xã có đông công nhân cư trú của huyện Yên Dũng.
Lãnh đạo tỉnh này cho biết, hiện còn 28 thôn, tổ dân phố cũng đang phải cách ly y tế ở các huyện khác. Có 3 huyện phải giãn cách xã hội là Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam.
“Đây là vấn đề khó khăn. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng như Uỷ ban bầu cử tỉnh đã bàn rất kỹ phương án, làm sao tổ chức bầu cử trong tình trạng phòng, chống dịch. Đến nay chúng tôi đã hoàn tất 6 tình huống liên quan đến phòng chống dịch trong ngày bầu cử”, ông Dương cho hay.
Theo đó, tỉnh đã tính toán rất cụ thể, có lưu ý đến việc tổ chức bầu cử trong bệnh viện dã chiến. Bắc Giang hiện có 411 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại 3 bệnh viện, trong đó có 1 bệnh viện đa khoa tỉnh và 2 bệnh viện dã chiến. Ngày hôm nay đã lập thêm 2 bệnh viện dã chiến nữa.
“Từ nay đến ngày bầu cử, khả năng số bệnh nhân COVID-19 sẽ khoảng 500-600 bệnh nhân và được điều trị ở 4 bệnh viện dã chiến khác nhau. Việc tổ chức bầu cử như thế nào chúng tôi cũng đã tính các phương án và sẽ thay đổi thành viên tổ bầu cử”, Chủ tịch Bắc Giang nói.
Cùng với đó, Bắc Giang có 6.500 người F1 đang được cách ly tập trung, trong đó có những khu công nghiệp có tới vài nghìn người. Tỉnh đã điều chỉnh địa điểm bỏ phiếu, các tổ bầu cử để làm sao bầu cử, kiểm phiếu được trong các khu cách ly tập trung, bảo đảm khách quan, dân chủ, đúng luật.
Với địa phương có giãn cách, cách ly, có những địa phương cách ly cả, có địa phương cách ly một nửa hoặc một phần, tỉnh đã tính phương án hòm phiếu phụ và phương án bảo hộ cho cán bộ tổ bầu cử đi vào địa điểm bị cách ly. Đồng thời tỉnh cũng liên tục rà soát, điều chỉnh số lượng cử tri.
Đến nay đã có khoảng 1.000 tình nguyện viên là y, bác sĩ quân đội, công an, các tỉnh, thành phố đến giúp Bắc Giang xét nghiệm diện rộng toàn tỉnh. “Chúng tôi đang lên phương án để bố trí cho số tình nguyện viên này được bầu cử tại Bắc Giang”, ông Dương cho hay.
“Với một khối lượng công việc rất lớn chúng tôi đang thực hiện nhưng tất cả đều nằm trong phương án đã tính toán, chuẩn bị nên không có vướng mắc gì. Chỉ có điều anh em sẽ vất vả và tỉnh cũng gặp khó khăn về kinh phí”, Chủ tịch Bắc Giang nói.
Tại Bắc Ninh: Bí thư Tỉnh uỷ Đào Hồng Lan cho biết, sau khi xảy ra các ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Giang, đã đặt Bắc Ninh trong điều kiện thách thức. Đây là địa bàn giáp ranh, có nhiều người từ Bắc Ninh sang Bắc Giang làm việc và ngược lại. Khi phát hiện ra ổ dịch bệnh tại khu công nghiệp, Bắc Ninh phải tập trung rà soát, phát hiện kịp thời, tiến hành cách ly, xét nghiệm, truy vết…
Tại thành phố Hà Nội: Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc trên địa bàn là các thế lực thù địch chống phá, ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị bầu cử.
Hà Nội đã có 15 đoàn công tác tới các khu vực, khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Theo ông Tuấn, tại các khu vực phong toả do tình hình dịch bệnh COVID-19 đều có kịch bản cụ thể, quyết tâm thực hiện thành công cuộc bầu cử ngày 23/5.
Tại TP. HCM: Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử TP. HCM Nguyễn Thị Lệ cũng cho biết, thành phố đã tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, không tập trung quá đông người trong ngày bầu cử, có kịch bản với 4 phương án và kịch bản trước, trong và sau ngày bầu cử.
Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đến nay công tác an ninh trật tự, an toàn cho bầu cử cơ bản được bảo đảm, không có vấn đề gì phức tạp mặc dù âm mưu, ý đồ phá hoại rất lớn. Theo phản ảnh của các địa phương về chuyện phá hoại bầu cử chủ yếu những chuyện lặt vặt, so với kỳ bầu cử nhiệm kỳ trước ít hơn rất nhiều.
"Tất cả lực lượng công an được triển khai, mỗi điểm bầu cử đều có một cán cán bộ công an, vừa bảo vệ, đảm bảo chấp hành đúng quy định pháp luật, đặc biệt là ngày trọng điểm 23/5", Đại tướng Tô Lâm nói.