Ba và nghề báo

Trong một lần từ thiện, tặng quà Trung thu cho hơn 200 trẻ em dân tộc huyện Đầm Hà (Quảng Ninh)
Trong một lần từ thiện, tặng quà Trung thu cho hơn 200 trẻ em dân tộc huyện Đầm Hà (Quảng Ninh)
TP - “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Con muốn làm một phóng viên thực thụ là phải đi, đi để nuôi dưỡng cảm xúc, để biết sẻ chia, đồng cảm và rèn luyện ý chí, bản lĩnh của người làm báo” – Câu nói ấy của ba tôi luôn văng vẳng bên tai kể từ khi bước chân vào nghề.

Đi để trưởng thành

Ngày tôi nhận quyết định ra làm phóng viên thường trú (PVTT) tại Quảng Ninh, mẹ tôi bật khóc. Là con út, bà chỉ muốn tôi lấy vợ gần nhà, sinh con đẻ cái thay vì phải đi xa. Ba tôi thì khác, ba nói: “Đàn ông phải có chí vươn xa, cứ đi rồi sẽ đến”. Mặc dù giọng ba vẫn vang dài nhưng nhìn qua ô cửa chuyến xe chiều, tôi thấy mắt ba ngấn lệ.

Ngày đầu ra Hà Nội ghé chào tòa soạn, Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn nhìn tôi cười bảo: “Địa bàn Quảng Ninh như một đất nước thu nhỏ, thứ gì cũng có. Em phải thật cố gắng hòa nhập nhanh, có gì khó khăn cứ báo cáo tòa soạn”. Những lời động viên, khích lệ của mọi người đã xóa tan mọi rụt rè, e ngại.

Trước khi lên xe về nhận địa bàn, Tổng Thư ký Lê Minh Toản dúi vào tay tôi một tập tài liệu, nào là công văn cho tỉnh, công văn cho các sở ban ngành, giấy giới thiệu do chính tay anh viết. Anh không quên dặn: “Làm cho tốt kẻo mất mặt người Tiền Phong nghe chú”.

Những ngày đầu nhận địa bàn, thực sự khó khăn với một PVTT hoàn toàn mới như tôi. Đường đi lối lại không biết, các mối quan hệ cũng bằng không. Mỗi lần đi họp hay có tin tức đều phải gọi điện hỏi đường. Có hôm bị lạc, đi mãi xuống tận Móng Cái, đến lúc hỏi ra mới biết vụ việc xảy ra cách đấy gần 100 km.

Ba và nghề báo ảnh 1 Săn đại lão trà trên đỉnh Tây Côn Lĩnh
Sau 1 tháng làm quen địa bàn, tôi bắt đầu đi. Một mình trên chiếc xe máy, tôi đi khắp các huyện miền núi khó khăn Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hoành Bồ... ăn ngủ cùng đồng bào vùng cao, tìm hiểu văn hóa của từng vùng miền và bắt đầu viết những phóng sự đường xa. Hết núi cao, tôi hướng ra những hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc. Nào Cô Tô, Đảo Trần, Quan Lạn, Minh Châu... làm ngư dân giữa vùng di sản. Đối với tôi, những chuyến đi đều mang một ý nghĩa vô cùng to lớn, nó làm tôi hiểu hơn về Quảng Ninh, về những phận người đang còn lầm lũi lo từng bữa ăn, về những lớp người đang sống trong xa hoa, nhung lụa. Có những chuyến đi đã ám ảnh tôi suốt chặng đường về, những tình cảm chân thật dành cho vùng đất, con người mà tôi đã đến và cả những câu hỏi cứ quẩn quanh không lời đáp. Trong một lần tình cờ nghe câu chuyện của du khách kể về những làng chài bị bỏ hoang trên vịnh. Vung Viêng, Cửa Vạn, Cống Đầm… đang từng ngày mất đi nét văn hóa độc đáo của làng chài cổ giữa lòng di sản. Tất cả ngư dân được lên bờ, chỉ còn lại những ngôi nhà bỏ hoang, những con thuyền gỗ chồng chềnh mặc sóng nước. Nhiều đêm thức trắng và 5 kỳ “Hạ Long tương phản” được đăng tải trên Tiền Phong, mỗi bài viết đều xoay quanh những mảnh đời cùng cực của ngư dân, những em bé thất học, những thanh niên tha hóa bởi va đập của xã hội khi lên với đất liền, những ngư dân quay quắt tìm đường về với biển... Loạt bài đã có sức ảnh hưởng, những cuộc khảo sát thực tế, những chính sách mới được bổ sung từ chính quyền. Người dân làng chài đã bớt khổ, hy vọng lưu giữ nét văn hóa của làng chài trên vịnh được nhen nhóm, trẻ em được đến trường, ngư dân có cơ hội quay về với biển. Có những lần để thực hiện đề tài, một mình trên chiếc thuyền nan của ngư dân, tôi chèo ra tận những hòn đảo vắng, chui vào hang động ghi nhận những hình ảnh nhũ đá bị cắt bỏ bán cho dân chơi non bộ. Những lần ăn cơm nắm nằm chờ xe than trái phép hoạt động, những lần chạy hơn trăm cây số để làm tin nóng và cũng không ít lần bị những kẻ lạ mặt đe dọa. Những lần như thế tôi lại cảm thấy cái thú của nghề, và rèn luyện ý chí không run sợ trước cái xấu. “Có 1 tin xấu là trời tiếp tục nắng nóng kéo dài khoảng 10 ngày nữa, còn tin tốt là chú vừa đoạt giải Báo chí Quốc gia” - Khi vừa nghe anh đồng nghiệp từ tòa soạn thông báo qua điện thoại, tôi run bắn người. Đây là phần thưởng, là ước mơ mà tôi ấp ủ bấy lâu. Là món quà tôi dành tặng cho gia đình, cho tòa soạn và cho tất cả những người đã giúp đỡ, tin tưởng tôi trong 2 năm qua. Ngày lên nhận giải, ba hứa sẽ ra Hà Nội, tôi biết ba tự hào và thương tôi nhất nhà vì trước đó không ít lần anh trai được nhận giải Báo chí Quốc gia nhưng ba chỉ cười và báo cho họ hàng, bạn bè xem qua tivi. Trước giờ nhận giải, tiếng chuông điện thoại vẫn kéo dài, ba không xuất hiện. Mãi mấy hôm sau mới biết mẹ tôi ốm, các anh chị ở xa nên ba phải ở nhà chăm sóc. Nhưng vì sợ tôi lo nên ba không gọi lại.

Những ngày này, Tiền Phong đang háo hức chuẩn bị cho 65 năm ngày ra số báo đầu tiên. Tôi vinh dự là một thành viên trong đại gia đình Tiền Phong, vinh dự hơn năm nay cơ quan chọn Quảng Ninh làm địa điểm giao lưu kỷ niệm. Mới 3 năm bước vào nghề báo, so với 65 năm của Tiền Phong thì hẵng còn quá non trẻ, nhưng tôi sẽ cố gắng hết mình để xứng đáng với tên gọi người Tiền Phong. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.