Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Karen Andrews hôm qua xác nhận Lực lượng Biên phòng Australia đang điều tra thông tin của hai tay vợt khác đã nhập cảnh vào nước này theo diện miễn trừ y tế, tương tự như trường hợp của Djokovic.
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với Reuters nói rằng Tennis Australia và chính quyền bang Victoria đã đồng ý hồ sơ miễn trừ y tế cho 3 tay vợt, bên cạnh Djokovic.
Djokovic đã bị Lực lượng Biên phòng Australia chặn lại ở sân bay Melbourne đêm 5/1 vì hồ sơ miễn trừ y tế không hợp lệ để có thể nhập cảnh. Tay vợt người Serbia lấy lý do từng nhiễm COVID-19 trong 6 tháng gần đây để yêu cầu miễn trừ y tế và đã được phê duyệt bởi chính quyền bang Victoria.
Tuy nhiên, chính phủ liên bang Australia không chấp thuận lý do này. Lực lượng Biên phòng Australia đã huỷ visa của Djokovic và yêu cầu anh phải lập tức rời khỏi xứ sở chuột túi.
Sau khi đội ngũ luật sư vào cuộc, Djokovic tạm thời chưa bị trục xuất khỏi Australia. Anh dự kiến sẽ dự phiên điều trần với Bộ trưởng Nội vụ Australia tại tòa án bang Victoria vào ngày 10/1 tới
Djokovic hiện đang bị "giam giữ" ở khách sạn Park tại khu Carlton (phía bắc Melbourne) dành cho người nhập cảnh trái phép. Luật sư của tay vợt số 1 thế giới đang nỗ lực xin cho anh được chuyển từ khách sạn này về căn nhà đã thuê tại Melbourne để có thể tập luyện.
Nếu không kháng cáo thành công, Djokovic có thể bị cấm nhập cảnh vào Australia ba năm. Anh sẽ bỏ lỡ cơ hội giành danh hiệu thứ 10 tại Melbourne, cũng như xác lập kỷ lục danh hiệu Grand Slam thứ 21.
Trong khi đó, tại quê nhà Serbia, sự phản đối kịch liệt của người hâm mộ về việc Australia đối xử với Djokovic ngày càng gia tăng. Tờ Serbia Blic đưa tin, các CĐV đã tập trung lại, đánh nhiều quả bóng tennis về phía tòa nhà Đại sứ quán Australia ở thủ đô Belgrade. Họ giương cao khẩu hiệu ủng hộ tay vợt 20 lần đoạt danh hiệu Grand Slam. Cảnh sát đã được huy động nhanh chóng để bảo vệ tòa nhà.
Gia đình Djokovic cũng đã phản đối chính quyền Australia bằng cách biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Serbia. Bố của Djokovic, ông Srdjan cho biết không biểu tình trước Đại sứ quán Australia vì không muốn châm ngòi bạo lực xảy ra trước khu vực này. Ông chỉ muốn tập hợp sự ủng hộ của người dân Serbia để đòi lại công bằng cho Djokovic.