Ngày 25/8, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản yêu cầu tạm dừng tất cả tàu cá xuất bến tham gia hoạt động sản xuất trên biển từ 0h ngày 26/8 cho đến khi có thông báo mới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc, Côn Đảo, TP.Vũng Tàu thống kê số lượng tàu cá đang hoạt động đánh bắt trên biển, xác định thời gian vào bờ. Xây dựng phương án tiếp nhận tàu cá vào các cảng cá được phép hoạt động cụ thể; quy trình giải quyết các trường hợp tàu cá vào bờ để bốc dỡ hải sản với các điều kiện đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu, các Tổ chức Quản lý cảng cá trên địa bàn tỉnh đã xây dựng đầy đủ các kế hoạch, kịch bản vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp. Từ khi hoạt động đến nay, số lượng tàu cá cập cảng bốc dỡ hải sản là 64 tàu với 750 tấn hải sản.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thực hiện các quy định chưa chặt chẽ, công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện và người dân ra vào cảng chưa nghiêm, có nguy cơ không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Cảng cá không thể quản lý và giám sát việc đi lại của đội bốc dỡ hải sản tại cảng, trong khi lực lượng lao động này sinh sống ở nhiều khu vực khác nhau, kể cả trong khu vực có số ca nhiễm COVID-19 cao.
Ngoài ra, cảng cá hoạt động hàng ngày, số lượng người ra vào rất nhiều, kéo theo các hoạt động cung cấp dịch vụ đi kèm (cung cấp nước đá, cung cấp nhiên liệu, trang thiết bị vật tư sản xuất, đưa đò, thuyền viên đi lại, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa, hải sản...) nên rất khó kiểm soát, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-9 từ cảng cá ra ngoài và từ ngoài vào cảng cá.
Hiện tại, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn còn khoảng 100 tàu cá đang hoạt động ngoài biển, dự kiến trong vài ngày tới sẽ vào bờ cập cảng bốc dỡ hải sản. Để tránh xảy tình trạng tồn đọng, hư hỏng hàng thủy sản trên các tàu cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh cho các cảng cá thực hiện tiếp nhận, giải quyết tất cả các trường hợp tàu ngoài biển vào để lên cá, trước khi thực hiện đóng cảng, tạm ngưng hoạt động.
Trước đó, UBND TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản gửi các đơn vị liên quan về tăng cường quản lý người, phương tiện hoạt động nghề cá trên địa bàn. Theo đó, tình hình dịch COVID-19 ở Phan Thiết đang diễn biến rất phức tạp. Tại các phường Hưng Long, Bình Hưng và Đức Long đã xuất hiện nhiều trường hợp lao động biển nghi mắc COVID-19.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, Phan Thiết yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác hải sản đối với phương tiện tàu thuyền có chiều dài từ 6m trở xuống; tạm dừng hoạt động khai thác hải sản đối với tất cả phương tiện tàu thuyền của ngư dân các phường Hưng Long, Bình Hưng và Đức Long.
Đối với các phương tiện đang hoạt động khai thác hải sản trên biển, nếu có nhu cầu tiếp tục khai thác hải sản phải neo đậu tàu trong khu vực cảng cá theo sự hướng dẫn của lực lượng chức năng và có bản đăng ký cho chuyến biển tiếp theo. Quá trình neo đậu tại cảng cá, thuyền trưởng phải có cam kết tự quản lý thuyền viên của mình và thuyền viên không được lên bờ.
Tương tự, UBND thị xã La Gi cũng có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động tại cảng cá La Gi, dừng hoạt động khai thác hải sản trên biển đối với các tàu cá từ 15m trở lên do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Quảng Nam tạm đóng cửa chợ Tam Kỳ, xét nghiệm 500 tiểu thương
Chợ Thương mại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) phải dừng hoạt động để phun độc khử trùng, đồng thời xét nghiệm cho 500 tiểu thương và người dân sống xung quanh sau khi xuất hiện ca bệnh tại đây.
Trước đó, tối 24/8, ngành y tế địa phương phát hiện ca mắc COVID-19 là một phụ nữ bán bánh tráng dạo tại chợ Thương mại Tam Kỳ. Bệnh nhân trú ở phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ.
Con trai của người này trở về từ TPHCM mắc COVID-19, điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Tam Kỳ). Ngày 16/8, người này khỏi bệnh xuất viện. Tuy nhiên, đến ngày 21/8, anh ta tái dương tính với SARS-CoV2. Ngành y tế xác định 3 F1 bao gồm mẹ, anh trai và cháu nên đã đưa đi cách ly tập trung.
Đến ngày 24/8, người mẹ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Do đó, cơ quan chức năng tạm dừng hoạt động của chợ trong ngày 25/8 để lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ các tiểu thương, đồng thời khử trùng chợ.