Ba phương án tiêu thụ vải thiều

Anh Tạ Văn Mạnh thu hoạch vải sớm
Anh Tạ Văn Mạnh thu hoạch vải sớm
TP - Vải ở tỉnh Bắc Giang năm nay được mùa, ước tính doanh thu vượt năm 2019 là hơn 6.400 tỷ đồng, nhưng gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu vì đại dịch COVID-19. Tỉnh đã xây dựng 3 phương án để tiêu thụ vải thiều.

Sản lượng tăng

Bốn giờ sáng, anh Tạ Văn Mạnh (xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn) đã tất bật thu hoạch vải thiều trên những cây vải “sớm”, tức chín sớm hơn vải chính vụ khoảng nửa tháng. Anh Mạnh cho biết, gia đình, dòng họ anh đã có hơn 60 năm gắn bó với cây vải; nhà anh hiện trồng khoảng 2 ha vải thiều. Năm nay, dự kiến, sản lượng vải của gia đình anh đạt khoảng 10 tấn. “Tôi bắt đầu thu hoạch vải sớm, vải chính vụ khoảng nửa tháng nữa mới chín. Năm ngoái, cây vải mang về cho gia đình tôi hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng”, anh nói. Theo anh Mạnh, hầu như mọi gia đình ở Tân Lập đều trồng vải; năm ngoái, vải được giá, hộ trồng nhiều nhất xã thu về hơn 1,7 tỷ đồng.

Bước vào vụ vải năm nay, bà con bàn tán không ngớt về việc bán vải, nhất là xuất sang Trung Quốc khi đại dịch COVID-19 vẫn còn. “Nhiều gia đình trong xã thu nhập chính từ cây vải thiều, bởi vậy, giá bán vải ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân nơi đây. Hiện, giá bán vải sớm cao nhất khoảng 40.000 đồng/cân. Giá này cũng tạm ổn. Tuy nhiên, sản lượng vải sớm chiếm phần nhỏ, nỗi lo vải chính vụ vẫn còn kia”, anh Mạnh nói, hướng mắt lên những chùm vải nặng trĩu bắt đầu chuyển từ xanh sang hồng.

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Bắc Giang, cho hay, năm ngoái, cây vải mang về tổng doanh thu hơn 6.400 tỷ đồng (trong đó thu trực tiếp từ quả vải là 4.500 tỷ đồng, còn lại là từ hoạt động dịch vụ hỗ trợ như thu hái, vận chuyển, hậu cần…). Dự kiến, năm nay, với hơn 28.000 ha vải thiều, Bắc Giang đạt sản lượng hơn 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm ngoái. Theo ông Tặng, cây vải thiều chiếm khoảng 35% tổng trị giá các loại cây trồng và 17% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. “Nhiều người ở trong và ngoài nước biết đến tỉnh Bắc Giang từ cây vải thiều. Cây vải trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh. Chúng tôi hướng đến cây vải trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia trong vài năm nữa”, ông nói.

Ông Tặng cho biết, thời gian qua, Bộ NN&PTNT cùng với tỉnh Bắc Giang có nhiều hoạt động hỗ trợ người trồng vải để nâng cao giá trị cây trồng này. Đến nay, tỉnh có hơn 15.000 ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm 53% tổng diện tích trồng vải) và 80 ha vải thiều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Trung Quốc cấp 149 mã số vùng trồng vải, với diện tích hơn 15.800 ha và 288 cơ sở đóng gói của tỉnh Bắc Giang đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường này.

3 phương án

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, nói rằng, vụ vải thiều năm nay diễn ra khi đại dịch COVID-19 vẫn còn, nên xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là với Trung Quốc - thị trường truyền thống, lớn nhất của vải thiều. Tỉnh đã chủ động xây dựng 3 phương án để tiêu thụ vải thiều.

Phương án 1, trường hợp kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc thuận lợi, thời gian thông quan kéo dài, khả năng xuất khẩu đạt 80% (tương đương 80.000 tấn); tiêu thụ trong nước còn lại khoảng 80.000 tấn. Phương án 2, điều kiện xuất khẩu gặp khó khăn với sản lượng ước đạt khoảng 50.000 tấn; tập trung tiêu thụ trong nước khoảng 110.000 tấn. Phương án 3, trường hợp sản lượng xuất khẩu không đáng kể do gặp khó khăn vì dịch, Bắc Giang sẽ phối hợp Bộ Công Thương tăng cường tổ chức quảng bá vải thiều, đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ trong nước và chế biến, sấy khô. Theo số liệu của Sở Công Thương, năm 2019, các chợ đầu mối trong nước như Thủ Đức, Dầu Giây, Long Biên, Đà Nẵng… tiêu thụ 30.000 tấn vải thiều, phân phối vào các siêu thị nội địa khoảng 8.000 tấn, các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ khoảng 11.000 tấn. Các tiểu thương, chợ truyền thống và lò sấy khô tiêu thụ khoảng 25.000 tấn.

Ông Toản cho biết, Bắc Giang đã đề xuất với Chính phủ cho khoảng 300 thương nhân Trung Quốc sang mua vải thiều bằng visa du lịch. Thủ tướng đã đồng ý cho 309 thương nhân nước này sang Việt Nam, nhưng phải cách ly theo quy định. Dự kiến, trong những ngày tới, các thương nhân Trung Quốc bắt đầu đến Bắc Giang. Năm nay, Trung Quốc tiếp tục ưu tiên thông quan vải thiều tại các cửa khẩu như những năm trước.

Thời gian qua, Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều ở một số nước khác như Singapore, Nhật Bản… “Năm nay, Nhật Bản chính thức chấp nhận để vải thiều Việt Nam vào thị trường này. Việc này mở ra cơ hội để vải thiều Bắc Giang vào các thị trường khó tính trên thế giới”, ông Toản nói. Ông cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Ngày 6/6, Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều trực tuyến với 59 tỉnh, thành trên toàn quốc và với Trung Quốc.

Theo ông Toản, năm nay, thương nhân các chợ đầu mối trong nước đã đến Bắc Giang để thu mua vải thiều với khối lượng cao hơn năm ngoái. Các nhà phân phối lớn như Aeon, Mega Market, Lotte… đến huyện Lục Ngạn khảo sát, đặt hàng, thu mua hàng chục tấn vải thiều để đưa vào các siêu thị trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế biến vải thiều lớn, như Công ty Đồng Giao, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C… và khoảng 400 lò sấy cũng có kế hoạch thu mua vải thiều. “Tỉnh Bắc Giang đã sẵn sàng các hoạt động hỗ trợ bà con trồng vải trong việc tiêu thụ sản phẩm này. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vải thiều trọng điểm (chiếm khoảng 90% sản lượng vải thiều xuất khẩu) cũng có nhiều tín hiệu tích cực”, ông Toản nói.

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, năm nay, sản lượng vải thiều của huyện đạt khoảng 85.000 tấn (chiếm 53% tổng sản lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang). Lục Ngạn hiện có 3 công ty sản xuất thùng xốp và 42 cơ sở làm nước đá với tổng công suất hơn 3,7 triệu thùng xốp và 885.000 cây đá phục vụ đóng gói, bảo quản vải thiều.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.