Ba pho tượng kỷ lục Việt Nam

Ba pho tượng kỷ lục Việt Nam
TP - Tượng A Di Đà ở chùa Đá Lố được xây bằng bê tông, cao 42m, với kinh phí hơn 6,1 tỷ đồng, là tượng A Di Đà cao nhất Việt Nam, cao gấp đôi tượng Phật Thích Ca (tượng Phật trắng) ở chùa Long Sơn, Nha Trang.

Ngày 31-3, trong lễ khánh thành chùa Tòng Lâm Lô Sơn (thường gọi là chùa Đá Lố, ở thôn Như Xuân, xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức an vị đại tượng Đức Phật A Di Đà.

Chỉ huy thực hiện công trình tượng A Di Đà ở chùa Đá Lố là nhà điêu khắc Thụy Lam, người gắn bó tên tuổi với nhiều tượng Phật lớn được xây dựng gần đây: Tượng Phật Di Lặc tại Núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang, cao 33,6m), tượng Phật Thích Ca tại thiền viện Vạn Hạnh (Đà Lạt, cao 24m), Quán Thế Âm Phật Đài ở Bãi Bụt (quận Sơn Trà, Đà Nẵng, cao 70m, được coi là tượng Phật giáo cao nhất Việt Nam hiện nay)...? Nhà điêu khắc Thụy Lam cho biết, ông đã được ông C. (một nhân vật khá nổi tiếng) mời xây dựng tượng Quán Thế Âm Bồ Tát (Phật Bà Quan Âm) cực lớn ở Nha Trang, cao gấp rưỡi tượng Quán Thế Âm ở Đà Nẵng. Dự tính, tượng sẽ được dựng cao 108m, đứng nhìn ra biển trên đài sen có đường kính 47m, ở tịnh thất Đa Bảo trên núi Cô Tiên, thuộc tổ 13 Đường Đệ (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang).

Ngày 21-3, Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã nghe báo cáo về ý tưởng xây dựng tượng Phật và Trung tâm thiền quốc tế tại khu vực Hòn Dồ (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang). Theo những người đề xuất ý tưởng, tại đây sẽ dựng tượng Phật bằng đá ở tư thế tọa thiền, cao từ 70m đến 100m.

Nếu hai đề xuất trên được chấp thuận, sắp tới tại Nha Trang sẽ có ba pho tượng Phật giáo kỷ lục Việt Nam: tượng A Di Đà ở chùa Đá Lố, phía Tây Nha Trang; tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở núi Cô Tiên, phía Bắc Nha Trang và tượng Phật Thích Ca ở Hòn Dồ, phía Nam Nha Trang.

Không nên dựng tượng lớn quá

Theo nhà điêu khắc Thụy Lam, một nhóm kỹ sư ở Nha Trang nói có thể dựng được tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở núi Cô Tiên. Họ sẽ lo phần xây dựng, ông lo phần mỹ thuật. Nguồn kinh phí chủ yếu, ông C. sẽ vận động phật tử, các doanh nhân có thiện tâm. Tương tự, kinh phí xây dựng tượng Phật ở Hòn Dồ - dự dính tới nghìn tỷ đồng - cũng trông cậy chủ yếu vào nguồn tiền quyên góp.

Tỳ kheo Thích Giác Mai, người quản lý tịnh thất Đa Bảo cho biết, ông C. có lên đây mấy lần, xin xây tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trên đất tịnh thất và đất mua thêm xung quanh, để làm du lịch tâm linh. Nhưng ý tưởng trình bày chưa có gì cụ thể, chưa thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa. Vả lại, theo ý tỳ kheo, công trình xây trên đất của tịnh thất, phải do tịnh thất quản lý. Hai bên chưa đạt được đồng thuận về việc dựng tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở đây.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Bình, Phó thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, không phải cứ có tiền là có thể dựng tượng Phật. Dựng tượng ở đâu, dựng như thế nào, phải hỏi ý kiến đồng bào, phật tử. Đến nay, Hòa thượng chưa biết việc xây tượng Phật ở Hòn Dồ và ở núi Cô Tiên. Nếu được hỏi, Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng phải thỉnh thị ý kiến của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, theo Hòa thượng, chỉ nên xây tượng Phật vừa phải, xây lớn quá sẽ khó bảo trì. Tượng Phật Thích Ca ở chùa Long Sơn, năm nào cũng phải quét sơn lại, nên mới được trắng đẹp như mọi người vẫn thấy. “Nếu xây tượng to lớn quá mà không bảo trì được, để tượng bị hoen ố, bám bẩn là có tội, thiếu tôn kính Đức Phật”. Hòa thượng Thích Thiện Bình nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.