Diễn viên Minh Hoàng
Trong 3 “Ông Hoàng” này thì Minh Hoàng có vẻ là người từng trải nhất. Đã từng học kịch nghệ tại Sài Gòn và sau ngày đất nước thống nhất, Minh Hoàng đã theo học tiếp 2 năm trường sân khấu và được giữ lại trường làm giảng viên. Nhưng cảm thấy không hợp với nghề giảng dạy, Minh Hoàng đã xin vào làm diễn viên của Đoàn kịch nói Cửu Long Giang.
Thời điểm đó, đoàn Cửu Long Giang toàn những “Cây đa cây đề” nên một cậu diễn viên trẻ măng thì khó mà có chỗ đứng. Nhưng nhờ sự nỗ lực của bản thân nên dần dần Minh Hoàng đã được vai diễn. Cùng với những diễn viên như Tấn Thi, Thương Tín, Hoa Hạ... một thế hệ mới như Minh Hoàng đã tiếp tục trở thành lớp diễn viên kế cận của đoàn.
Sau này khi sân khấu kịch đi vào bế tắc, Minh Hoàng đã rời đoàn, tham gia các sân khấu kịch khác như IDECAF, Hồng Vân, 5B Võ Văn Tần... Minh Hoàng còn tham gia viết kịch và tổ chức đạo diễn. Vở diễn Tình nghệ sỹ do Minh Hoàng viết kịch bản kiêm đạo diễn đã quy tụ nhiều tên tuổi nghệ sỹ tham gia và trở thành một trong những vở ăn khách nhất trong thập kỷ 90.
Nhưng sự nỗ lực của những người như Minh Hoàng cũng không cứu nổi sân khấu trước sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí khác. Nhưng đã là cái nghiệp, Minh Hoàng vẫn đi diễn vẫn dựng kịch dù gặp nhiều khó khăn. Mấy năm gần đây, Minh Hoàng tham gia sân khấu Hồng Vân tuy nhiên tên tuổi thì không còn sức hút nữa. Hiện Minh Hoàng hài lòng với những gì đạt được và cho rằng thời của kịch đã qua.
Khánh Hoàng thời trẻ
Một “Ông Hoàng” khác cũng từng có tiếng tăm là diễn viên Khánh Hoàng. Là lớp diễn viên đầu tiên được đào tạo sau ngày đất nước thống nhất, Khánh Hoàng cũng đã có một thời nổi danh với nhiều vai diễn, trong đó được nhớ tới nhiều nhất của Khánh Hoàng là vai Đồng Đen trong vở Điểm hẹn vùng ven. Vai diễn thành công tới mức sau này mấy chục năm, Khánh Hoàng luôn bị gọi với cái tên Đồng Đen.
Sau nhiều năm tham gia sân khấu, Khánh Hoàng đã đi làm giảng viên trường Đại học sân khấu một thời gia rồi quay ra làm công tác quản lý. Khánh Hoàng làm giám đốc Nhà hát kịch TPHCM. Tuy nhiên với tính cách nghệ sỹ, Khánh Hoàng tỏ ra không hợp với vị trí này khi anh cùng Nhà hát đã bị diễn viên Ngọc Trinh kiện ra tòa vì vi phạm hợp đồng biểu diễn. Trước tòa, Khánh Hoàng đã phải cay đắng thừa nhận “Đây là một phiên tòa nhục nhã và ê chề đối với những người trong cuộc nói riêng và giới nghệ sỹ nói chung” bởi ánh hào quang của Đồng Đen một thuở giờ đã bị mờ đi, hình ảnh người chiến sỹ du kích kiên trung gan dạ giờ đã trở thành một ông lão bệnh tật, lặng lẽ đứng trước nghe tòa tuyên phạt...
Sau vụ kiện, Khánh Hoàng lại trở về với đời thường nhưng việc xa cách nghiệp diễn một thời gian đã khiến cho khán giả quên dần Khánh Hoàng, dù rằng ông nói mình vẫn còn “duyên lắm” nhưng các ông bầu, các nhà tổ chức vẫn chưa tìm đến với Khánh Hoàng.
NSƯT Thanh Hoàng
So với 2 “ông Hoàng” trên thì NSƯT Thanh Hoàng là người trẻ hơn cả. Xuất thân từ văn nghệ quần chúng, Thanh Hoàng được khán giả biết tới giữa những năm 90 với vai trò viết kịch khi cho ra đời vở diễn Dạ cổ hoài lang.
Vở Dạ cổ hoài lang đã trở thành hiện tượng cho làng kịch Việt Nam khi luôn “Cháy vé” suốt hơn 2 thập kỷ với hơn 1500 suất diễn, được đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Từ Dạ cổ hoài lang, Thanh Hoàng đã tiếp tục thai nghén để cho ra đời nhiều vở diễn ăn khách như Trầu cau, Cha yêu, Con nhà nghèo....
Nhưng Thanh Hoàng không chỉ thành công với vai trò biên kịch, ông còn là một diễn viên có nghề được đánh giá cao với nhiều vai diễn có chiều sâu tại sân khấu 5B Võ Văn Tần. Sau này dù lên làm công tác quản lý sân khấu 5B, Thanh Hoàng vẫn tiếp tục diễn kịch, đóng phim và dìu dắt những diễn viên trẻ theo nghiệp diễn. Tuy nhiên, khi con đường nghệ thuật vẫn còn đang rực sáng thì số mệnh nghiệt ngã đã đến với Thanh Hoàng. Ông bị ung thư và mất ở tuổi 55, để lại nhiều kế hoạch còn dang dở.
3 “Ông Hoàng” với 3 số phận khác nhau nhưng họ đều giống nhau ở chỗ đều để lại dấu ấn rất riêng trong các vai diễn của mình, góp phần làm cho Làng kịch TPHCM tỏa sáng một thời.