Ba người Mỹ nhận giải Nobel Kinh tế 2022 nhờ nghiên cứu về khủng hoảng ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 10/10, Viện Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển quyết định trao giải thưởng Nobel Kinh tế cho ba người Mỹ, vì kết quả “nghiên cứu các cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng”.
Ba người Mỹ nhận giải Nobel Kinh tế 2022 nhờ nghiên cứu về khủng hoảng ngân hàng ảnh 1

Theo uỷ ban giải thưởng, nghiên cứu của ba tác giả Mỹ, gồm: Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig giúp nâng cao đáng kể hiểu biết của mọi người về vai trò của các ngân hàng trong nền kinh tế, nhất là trong những cuộc khủng hoảng tài chính. Một kết luận quan trọng mà họ rút ra là vì sao việc tránh để ngân hàng sụp đổ là nhiệm vụ quan trọng.

Nghiên cứu về ngân hàng hiện đại làm sáng tỏ lý do xã hội có các ngân hàng, cách làm cho ngân hàng bớt chịu tác động trong các cuộc khủng hoảng và việc các ngân sụp đổ làm trầm trọng khủng hoảng tài chính như thế nào.

Nền tảng của nghiên cứu này được Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig tạo nên từ đầu những năm 1980. Phân tích của họ có ý nghĩa thực tế lớn trong điều hành các thị trường tài chính và ứng phó với khủng hoảng tài chính.

Để nền kinh tế vận hành, các khoản tiền gửi của người dân cần được chuyển thành đầu tư. Tuy nhiên, người gửi muốn rút tiền về ngay nếu cần chi tiêu bất ngờ, trong khi các doanh nghiệp và chủ sở hữu nhà ở cần biết chắc rằng họ không bị buộc phải trả nợ sớm. Trong lý thuyết của mình, Diamond và Dybvig cho thấy cách các ngân hàng đưa ra một giải pháp tối ưu cho vấn đề này. Bằng cách hoạt động như trung gian để nhận tiền gửi từ nhiều người tiết kiệm, các ngân hàng có thể cho phép người gửi rút tiền về khi nào họ muốn, trong khi vẫn bảo đảm khoản vay dài hạn cho bên vay.

Tuy nhiên, phân tích của họ cho thấy cách kết hợp hai hoạt động này khiến các ngân hàng dễ bị tổn thương khi có tin đồn về khả năng phá sản. Nếu một số lượng lớn người gửi đồng thời rút tiền khỏi ngân hàng, tin đồn có thể trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm, hệ quả là ngân hàng sụp đổ. Những diễn biến nguy hiểm này có thể được ngăn chặn nếu chính phủ bảo đảm tiền gửi và trở thành cứu cánh cuối cùng của ngân hàng.

Diamond cho thấy cách các ngân hàng thực hiện những chức năng xã hội quan trọng khác. Với vai trò trung gian giữa người gửi tiết kiệm và người vay, các ngân hàng có thể đánh giá mức độ tín nhiệm của bên vay và bảo đảm khoản vay được sử dụng vào những khoản đầu tư tốt.

Ben Bernanke phân tích cuộc đại khủng hoảng trong những năm 1930 – khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Ông cho thấy hoạt động của các ngân hàng đóng vai trò quyết định khiến cuộc khủng hoảng này trở nên sâu sắc và kéo dài. Khi các ngân hàng sụp đổ, thông tin giá trị về người vay bị mất và không thể khôi phục nhanh chóng. Khi đó, khả năng chuyển tiền tiết kiệm thành những khoản đầu tư hiệu quả bị suy giảm nghiêm trọng.

“Phân tích sâu sắc của các nhà khoa học đạt giải đã cải thiện khả năng của chúng ta nhằm tránh cả những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và những gói cứu trợ đắt đỏ”, Tore Ellingsen, Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Nobel Kinh tế, đánh giá.

TS Ben S. Bernanke, sinh năm 1953 tại Mỹ, hiện công tác tại Viện Brookings ở Washington DC.

TS Douglas W. Diamond, sinh năm 1953, hiện công tác tại ĐH Chicago.

TS Philip H. Dybvig, sinh năm 1955, hiện công tác tại ĐH Washington.

Ba nhà khoa học sẽ chia đều khoản tiền thưởng 10 triệu knonor Thuỵ Điển.

Giải Kinh tế đã khép lại mùa Nobel 2022.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.