Đã trồng được 770 triệu cây
Tháng 4/2021, Thủ tướng phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu cải thiện cảnh quan, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, các địa phương đã rà soát đất đai và xây dựng kế hoạch triển khai khá chi tiết. Đến nay, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh, gồm 334,5 triệu cây phân tán và 435,4 triệu cây tập trung. Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện đề án trong 3 năm đạt gần 9.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,8%, còn lại là vốn ODA, xã hội hoá và các nguồn vốn khác.
Cục Lâm nghiệp đánh giá, việc các nguồn lực xã hội tích cực tham gia đề án cho thấy cộng đồng rất quan tâm đến môi trường và cảnh quan, tạo nên phong trào trồng cây trên khắp cả nước. Đây cũng là kết quả quan trọng nhất mà đề án có được.
Theo Cục Lâm nghiệp, sau 3 năm thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh, cả nước đã trồng được hơn 770 triệu cây. (Trong ảnh: Vinamilk trồng cây theo dự án hướng đến net zero năm 2023) |
Thống kê của Cục Lâm nghiệp cho thấy, các địa phương ở khu vực trung du, miền núi đi đầu trong việc thực hiện đề án. Lào Cai trồng được 61,6 triệu cây, Phú Thọ 52 triệu cây, Gia Lai 37,3 triệu cây, Nghệ An 34,4 triệu cây...
Nhiều địa phương trồng trên 20 triệu cây như: Lai Châu, Lâm Đồng, Kon Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La, Cà Mau. Các tỉnh trồng trên 15 triệu cây gồm có Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên.
Tỷ lệ cây xanh ở thành phố còn thấp
Hà Nội hiện có 1,9 triệu cây, TPHCM 5 triệu cây, Đà Nẵng 1,6 triệu cây, Hải Phòng 1,6 triệu cây. Đặc biệt, theo thống kê, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ 2 - 3m2/người, không đạt mục tiêu đề ra.
“Hầu như các địa phương chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất được quy hoạch làm công viên, cây xanh, cũng như chưa xây dựng kế hoạch phát triển cây xanh hằng năm. Điều này khiến đô thị Việt Nam có mức độ xanh hóa rất thấp so với các nước trên thế giới, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị”.
Ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp
Báo cáo của Bộ Xây dựng về đề án cho thấy, tỷ lệ cây xanh tại Hà Nội chỉ đạt 2,06m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người, Hải Phòng 3,41m2/người, TP Huế 12,9m2/người, TP Vinh 10,5m2/người, TP Vũng Tàu 10m2/người, TP Nam Định 5,39m2/người. Chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người.
Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho rằng, diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện mới chiếm tỷ lệ khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị.
Nguyên nhân do quỹ đất ở đô thị eo hẹp, nguồn vốn đầu tư thực hiện phát triển, duy trì cây xanh, công viên đô thị chủ yếu từ ngân sách nên chưa phát huy được hiệu quả. Việc quản lý, duy trì và phát triển quỹ đất cây xanh đô thị tại nhiều thành phố chưa được quan tâm đúng mức.
“Hầu như các địa phương chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất được quy hoạch làm công viên, cây xanh, cũng như chưa xây dựng kế hoạch phát triển cây xanh hằng năm. Điều này khiến đô thị Việt Nam có mức độ xanh hóa rất thấp so với các nước trên thế giới, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị”, ông Lực nói.
Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp đánh giá, phát triển cây xanh ở một số địa phương còn manh mún, chưa được quy hoạch thống nhất, đồng bộ; việc phối hợp giữa cơ quan quản lý trực tiếp cây xanh với các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Vốn đầu tư cho phát triển rừng còn hạn chế, phân bổ còn chậm, mức hỗ trợ trồng cây, trồng rừng còn thấp so với yêu cầu thực tiễn.
Theo Bộ Xây dựng, việc trồng cây xanh ở đô thị còn hạn chế do đang thiếu quy định, phương thức huy động, sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển công viên, cây xanh tại các đô thị. Nguyên nhân do các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí các loại và hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho phát triển công viên, cây xanh đô thị không thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố.
Bộ xây dựng kiến nghị Chính phủ bổ sung cơ chế, chính sách đa dạng nguồn lực trồng, chăm sóc, phát triển cây xanh, công viên tại các đô thị. Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 2024 - 2025, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng mới hơn 492 triệu cây xanh, trong đó có 275,5 triệu cây và 98.210 ha rừng trồng (tương đương với 216,6 triệu cây).