> Toàn cảnh vụ cháy tại tòa nhà Tập đoàn Điện lực
> Người trong tòa nhà chọc trời kể chuyện cháy
Ông Nguyễn Văn Lung đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Trường Phong. |
Gần một ngày đã qua nhưng những công nhân vừa thoát thân khỏi đám cháy kinh hoàng vẫn chưa hết sợ hãi khi kể về giờ phút sống trong tột cùng thất vọng. Anh Đào Trọng Tiếp (30 tuổi, quê huyện Mỹ Đức - Hà Nội) bảo: “Chân tôi giờ rã rời vì chạy. Đời tôi chưa khi nào thấy cái chết có thể gần mình đến như thế và tôi cũng không thể ngờ mình được cứu sống”.
Anh Tiếp nhớ lại, khoảng 16h30 khi đang làm việc tại tầng 30 của tòa nhà thì thấy khói bốc lên mù mịt, cay xè hết mắt mũi, xung quanh bị khói bủa vây tối om. Tất cả những người có mặt hò hét nhau chạy xuống dưới. Nhưng chỉ xuống được vài tầng thì tất cả lại dội ngược trở lên tầng áp mái vì bên dưới khói mịt mùng, không thở được.
Sức người yếu dần mà khói thì mỗi ngày một dày đặc. 18 con người khi đó đã dùng hết sức lực để giúp đỡ nhau lên được tầng 33. Căn phòng thì bé, khói thì dày đặc, nước không có, có người đành đi tiểu hoặc nhổ nước bọt vào khẩu trang rồi chụp vào mũi, miệng để bớt ngạt thở.
Trong cơn hoảng loạn cùng với khói là những tiếng gào khóc, người thì gọi điện thoại cho người thân, người gọi bạn bè. Lúc căng thẳng đó có người đòi nhảy xuống dưới tự tử chứ không chịu cảnh chết cháy. Trong số họ có những công nhân mới lập gia đình, người thì đang chuẩn bị làm đám cưới, họ gọi điện cho vợ, cho người yêu dặn dò những lời trăng trối như thể cái chết là điều tất yếu với mình.
Ba giờ sống trong sợ hãi và bất lực đến 19h30 đội cứu hộ đã đưa những công nhân này tiếp đất an toàn.
Nằm điều trị tại khoa Bỏng, Bệnh viên Xanh Pôn (Hà Nội), bà Trương Thị Xây (53 tuổi, quê Vĩnh Phúc) vẫn chưa hết thất thần. Bà Xây bảo câu chuyện xảy ra ngày 15-12 là nỗi sợ hãi lớn nhất đời bà. Lúc đó bà Xây đang ở tầng 4 chuẩn bị thu dọn đồ để về. Khi bước ra cầu thang thấy khói đen xông lên nồng nặc, trước mắt bà là màn đen bao phủ, không thấy lối đi.
Bà Xây kể lại: “Biết có cháy lớn, tôi nghĩ mình chắc chết rồi, toàn thân run rẩy. Lần mò tìm cầu thang chạy lên trên, nhưng chạy đến tầng 7 thì gục xuống. May mắn lúc đó có mấy cậu thanh niên dìu tôi lên”.
Trong lúc hỗn loạn đó, những công nhân ở cùng bà Xây mở cửa kính, thò đầu ra ngoài để hít thở và kêu cứu. Đến gần 17 giờ, lực lượng cứu hộ tận dụng thang của đội lắp kính tòa nhà, đưa toàn bộ công nhân mắc kẹt tại tầng bảy xuống đất.
Bà Xây nhớ lại: “Khi thang xuống đến tầng năm thì mắc kẹt vào giàn giáo, tôi và các công nhân phải trèo từ giàn giáo xuống đất. Mấy thanh niên còn cẩn thận buộc dây bảo hiểm cho tôi. Xuống đến nơi, mọi người xúm vào hỏi thăm, cho tôi uống nước. Tôi mượn điện thoại thông báo cho con, và chỉ nói được rằng “Mẹ xuống được rồi, mẹ sống rồi con ạ”. Bà Xây bảo, lúc mới xuống đất, chỉ còn hai mắt và hàm răng màu trắng, còn toàn người bị bao phủ bởi khói bụi, đen nhẻm.
Là người đầu tiên thoát khỏi đám cháy được đưa vào viện cấp cứu, đến trưa 16-12, ông Nguyễn Văn Lung (49 tuổi, quê Nông Cống, Thanh Hóa) và con trai Nguyễn Văn Thịnh (sinh năm 1993) vẫn còn thấy mệt mỏi. “Đến giờ tôi vẫn thấy tức ngực, khó thở như người bị đánh”, ông Lung nói.
Chìa bàn tay còn nham nhở vết đen do khói bụi dính vào cho y tá bệnh viện truyền nước, ông Lung bảo, chưa rửa sạch được hết. Những thứ này bám chặt như khi đốt túi nilon, thùng xốp vậy.
Ông Lung kể: “Khoảng hơn 16 giờ, trong lúc đang sơn tại tầng hầm 2 của tòa nhà bỗng nghe thấy có âm thanh nổ nhẹ, kèm theo đó là luồng gió lùa đến. Chưa kịp định hình chuyện gì xảy ra thì một cột khói đen như cơn lốc lao tới xoáy chặt vào người. Lúc đó đèn điện phụt tắt, lối lên dành cho xe hơi bị khói đen bao trùm. Hoảng quá, tôi chỉ biết mò mẫm men theo cầu thang bộ để thoát thân nhưng khói đen kịt bủa vây không nhìn thấy đường đâm ra hoảng loạn, chạy ngược chạy xuôi, mãi sau mới tìm thấy lối ra”.