Bà đồ xuống phố

Bà đồ xuống phố
TP - Đã trở thành thông lệ mấy năm qua, vào mỗi dịp giáp Tết, các ông đồ ở TPHCM lại tập trung về “phố ông đồ” ở khu vực nhà văn hoá Thanh niên và Cung văn hoá Lao động.

Cũng mực tàu, giấy đỏ, cũng áo dài, khăn đóng… nhưng điều đặc biệt là càng ngày, tuổi của ông đồ càng trẻ. Ngoài ra, tại phố ông đồ của TPHCM năm nay còn có sự xuất hiện của nhiều “bà đồ”.

Là một kiến trúc sư chuyên thiết kế nội thất cho một công ty xây dựng, Nguyễn Chí Đạt rất đam mê thư pháp. Quyết tâm theo đuổi và rèn luyện, đến nay Đạt đã có 3 năm gắn bó với phố ông đồ. Nhiều người gọi mình là… “anh đồ”, Nguyễn Chí Đạt nói.

Mới theo học thư pháp được một năm, nhưng Nguyễn Thanh Thảo – sinh viên năm nhất Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cũng “bon chen” theo “sư phụ” ra phố ông đồ. Thảo là một trong số các “bà đồ” góp mặt tại phố ông đồ năm nay. Vẫn đang là sinh viên ngành kiến trúc của trường đại học Hồng Bàng, nhưng Lê Quốc Bình đã có hơn 6 năm gắn bó với thư pháp. Yêu thích thư pháp, Bình đã mày mò tự học trong suốt 3 năm mới “thành nghề”.

Tham gia phố ông đồ ngay từ năm đầu tiên, kiến trúc sư Dương Minh Hoàng đã có 13 năm gắn bó với thư pháp. Hiện Hoàng là thành viên ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp của Nhà văn hoá Thanh niên.

Trong số gần 40 sạp tại phố ông đồ ở Cung văn hoá Lao động năm nay, đa phần là của các ông đồ trẻ. Chính vì vậy mái tóc bạc của ông đồ Huỳnh Tâm khá nổi bật. Nhiều người đi xin chữ năm mới vẫn thường thích xin của ông đồ lớn tuổi, râu tóc bạc phơ bởi kinh nghiệm, triết lý sống của họ thấm vào câu chữ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG