Theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, mục đích việc tổ chức các sự kiện nhằm đưa Nhà hát lớn Hà Nội trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hoá tiêu biểu để khán giả trong nước và quốc tế thường xuyên đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao, tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia đã có hơn 100 năm tuổi; giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế...
Mở đầu cho kế hoạch biểu diễn sau khi mở rộng Nhà hát lớn sẽ là ba chương trình, tác phẩm chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh 2/9.
Tối 30/8 là chương trình “Hoà nhạc giao hưởng đặc biệt I” do dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thực hiện với: Khúc khởi nhạc chào mừng của GS. Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bằng; Aria “Largo al factotum”- trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng “Người thợ cạo thành Seviglia”; Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi; Bản giao hưởng số 5 cung Đô thứ...
Tối 31/8, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ biểu diễn vở kịch nói “Biệt đội áo đen” của nhà văn Chu Lai. Nội dung tác phẩm phản ánh cuộc đi tìm nhân cách, bản ngã, lương tri con người kéo dài suốt từ chiến tranh sang hoà bình; dù thời đại nào đi nữa thì sự thật và công lý vẫn luôn được bảo vệ, không bao giờ bị bóp méo.
Chương trình thứ ba vào tối 1/9 là chương trình “Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực” do Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện. Năm cung chèo của chương trình sẽ là bức tranh đầy màu sắc của những số phận các nhân vật điển hình trong nghệ thuật chèo, giới thiệu nét đẹp nghệ thuật dân gian truyền thống có từ lâu đời của người Việt.
Cũng trong tháng 9 tới, tại Nhà hát lớn còn công diễn các tác phẩm: Kịch nói “Công lý không gục ngã” của tác giả Lê Chí Trung; múa rối “Nhịp điệu quê hương”. Sang tháng 10, sẽ có các chương trình: Múa rối “Vũ điệu Hoa Quỳnh”; “Hoà nhạc và các trích đoạn Tuồng cổ mẫu mực”; vở cải lương “Vua thánh triều Lê” của tác giả Lê Duy Hạnh...